Chương mới trong quan hệ Mỹ - châu Phi

Ngày 26-3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Ghana, mở đầu chuyến thăm 3 quốc gia châu Phi. Truyền thông Mỹ cho biết, chuyến thăm mở ra chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và châu Phi.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi năm 2022
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi năm 2022

Tập trung quan hệ kinh tế, an ninh

Các quan chức Nhà Trắng gọi chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tới 3 nước châu Phi gồm Ghana, Tanzania và Zambia nhằm “hướng tới tương lai”, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hai bên. Mục tiêu chuyến đi nhằm tập trung vào phát triển kinh tế, chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực cùng một số vấn đề khác. Chuyến thăm cũng nhằm tái khẳng định thông điệp từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi năm 2022, theo đó Washington tăng cường các biện pháp kinh tế và an ninh với châu Phi trong những năm tới.

Theo giới quan sát, ở châu Phi, sự hiện diện của bà Harris sẽ thu hút sự chú ý với tư cách là người da màu đầu tiên và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Phó Tổng thống Mỹ. Tâm điểm trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ là bài phát biểu ở Accra và chuyến thăm lâu đài Cape Coast ở Ghana, nơi những người châu Phi bị bắt làm nô lệ được đưa lên tàu để đến Mỹ. Bà Harris cũng có kế hoạch gặp lãnh đạo các nước sở tại và đặt vòng hoa tưởng niệm vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Dar es-Salaam, thủ đô của Tanzania năm 1998.

Bà Harris cũng dự định đến thăm một phòng thu âm và gặp gỡ các nữ doanh nhân ở Accra, thủ đô Ghana và ghé qua vườn ươm công nghệ ở Dar es Salaam. Tại Lusaka, thủ đô của Zambia, bà Harris dự kiến sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện để nói về việc mở rộng quyền tiếp cận các hệ thống tài chính và kỹ thuật số.

Không muốn tụt hậu

Nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump không coi trọng quan hệ với châu Phi đã làm Mỹ tụt lại phía sau về đầu tư tại châu Phi so với nhiều nước. Giờ đây, Nhà Trắng đang muốn đảo ngược xu thế này. Bà Harris theo dự tính sẽ công bố kế hoạch của Mỹ đầu tư vào đổi mới và sáng tạo trên khắp lục địa châu Phi. Tổng thống Joe Biden cũng sẽ ký một sắc lệnh hành pháp để thành lập Hội đồng cố vấn của Tổng thống với sự tham gia của cộng đồng người Mỹ gốc Phi nhằm đưa ra lời khuyên và khuyến nghị về cách tăng cường mối quan hệ giữa châu Phi và Mỹ. Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cũng vừa thăm châu Phi. Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ thăm lục địa này vào cuối năm 2023.

Theo ông Daniel Russel, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện đang làm việc tại Viện Chính sách xã hội châu Á, châu Phi đã từng rất quen thuộc trong những lời hứa của người Mỹ nhưng rồi thực tế diễn ra không như mong đợi. Đó là sự tương phản rõ rệt với Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu về các dự án cơ sở hạ tầng sâu rộng và mở rộng hoạt động viễn thông ở châu Phi. Bà Rama Yade, Giám đốc cấp cao của Trung tâm châu Phi thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), cho biết, vì là người Mỹ gốc Phi, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến châu Phi nhận được sự kỳ vọng lớn của châu lục.

Đọc nhiều nhất

“Đảo chiều” hậu Brexit

“Đảo chiều” hậu Brexit

Sau gần 7 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đa số người dân Anh lại ủng hộ việc xây dựng mối quan hệ gần gũi với EU.

Hồ sơ - tư liệu

Đồng USD giảm vị thế ở Trung Đông

Iraq vừa cấm các giao dịch bằng USD. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có kế hoạch bán dầu mà không sử dụng đồng USD và đang hướng tới thiết lập một loại tiền tệ hoàn toàn mới để thay thế. Những diễn biến ở Trung Đông cho thấy sự thống trị của đồng USD trong khu vực dường như đang đổi chiều.

Chuyện đó đây

Cây năng lượng sạc xe điện

Theo CNN, Công ty khởi nghiệp SolarBotanic Trees (Anh) bắt đầu thử nghiệm cây sạc xe điện với khả năng thu năng lượng bằng tán cây lắp pin mặt trời và lưu trữ trong pin ở thân.