Tuyên bố của Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 17-12 sau hơn nửa thế kỷ thù địch đã được cộng đồng thế giới đón nhận hồ hởi, xem đây là sự kiện lịch sử kết thúc thời kỳ Chiến tranh lạnh ở châu Mỹ. Trước mắt, vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa quyết định này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro gặp nhau tại lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela ở Soweto năm 2013.
Thành quả 18 tháng đàm phán bí mật
Theo Reuters, quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba được đưa ra sau 18 tháng đàm phán bí mật mà vai trò trung gian chính là Giáo hoàng người Argentina Francis, giáo hoàng Mỹ Latinh đầu tiên trên thế giới. Chính vì vậy, Giáo hoàng Francis và Tòa thánh Vatican là một trong những nơi đầu tiên hoan nghênh quyết định của Mỹ và Cuba. Giáo hoàng người Argentina này đã gửi “lời chúc mừng nồng nhiệt” tới các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba vì họ đã vượt qua những khó khăn để ghi dấu ấn trong lịch sử. Vatican cho biết Giáo hoàng Francis trước đó đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro chấm dứt bế tắc, mở đường cho “giải pháp chấp nhận được cho cả hai bên”.
Thủ tướng Canada Stephen Harper cho rằng Canada đã đóng vai trò quan trọng trong sự kiện lịch sử này vì đã tổ chức các cuộc đàm phán bí mật kể từ tháng 6-2013. Thủ tướng Canada hoan nghênh kết quả tốt đẹp của cuộc đàm phán. Liên minh châu Âu, khối đã bình thường hóa quan hệ với Cuba, ca ngợi quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba là “bước ngoặt lịch sử”.
|
Tại Argentina, nơi đang diễn ra Hội nghị thượng đỉnh 5 nước khối MECOSUR, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, nói: “Chúng ta đang sống một ngày lịch sử”. Venezuela là đồng minh thân cận nhất của Cuba. Tổng thống Maduro cho rằng đây là “một thắng lợi tinh thần” và là “một chiến thắng cho Fidel”. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã chào mừng “sự táo bạo và can đảm” của lãnh đạo Mỹ và Cuba trong việc hiện thực hóa “giấc mơ về một lục địa bình an tuyệt đối giữa các quốc gia”. Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz tuyên bố: “Đây là khởi đầu sự kết thúc của Chiến tranh lạnh ở châu Mỹ”.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo cho biết động thái này “có ý nghĩa lớn”. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier gọi đây là bước đột phá và là “thông tin tốt giữa hàng loạt thông tin xung đột trên thế giới”.
Tại thủ đô La Habana của Cuba, người dân Cuba đã xuống đường ăn mừng, bày tỏ hy vọng rằng bước đột phá sẽ dẫn đến một sự phục hồi kinh tế. Mọi người cho rằng đó là tin rất quan trọng sẽ thay đổi cuộc sống của tất cả.
Trong tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Mỹ đã quyết định phóng thích 3 người Cuba bị nước này cầm tù và phía Cuba cũng phóng thích một công dân Mỹ.
Chặng đường sắp tới
Theo Washington Post, sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro lần đầu tiên có cuộc điện đàm kể từ năm 1959 khi cách mạng Cuba thành công. Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ lòng biết ơn với Giáo hoàng Francis và lãnh đạo Canada.
Trước mắt, hai bên còn nhiều việc phải làm. Ngoài việc mở lại đại sứ quán của Mỹ tại La Habana, Nhà Trắng còn phải thông qua kế hoạch để giảm bớt hạn chế thương mại, tài chính cũng như giới hạn về diện người Mỹ được du lịch đến Cuba.
Ngoài ra, Nhà Trắng cũng sẽ cho phép người Mỹ gốc Cuba gửi nhiều tiền hơn về cho thân nhân ở Cuba, cho phép công dân Mỹ sử dụng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng ở Cuba, cho phép nhập khẩu xì gà Cuba. Xuất khẩu của Mỹ sang Cuba cũng sẽ được nới lỏng. Các ngân hàng Mỹ sẽ được phép mở rộng quan hệ đại lý với các ngân hàng ở Cuba.
Chính quyền Mỹ cũng cho biết sẽ tính đến việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bị Washington xem là “tài trợ khủng bố”. Cuối cùng, Nhà Trắng phải làm việc với Quốc hội để dỡ bỏ cấm vận thương mại và các chế tài khác. Đây sẽ là rào cản không nhỏ khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa nắm giữ. Phần lớn nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ quyết định của Tổng thống Obama nhưng đa số nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối.
THỤY VŨ (tổng hợp)
Việt Nam hoan nghênh việc Cuba và Hoa Kỳ nối lại quan hệ ngoại giao
Ngày 18-12, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc nguyên thủ Cuba và Hoa Kỳ tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao, Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố sẽ nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau 53 năm gián đoạn. Việt Nam tin tưởng rằng các tuyên bố mang tính lịch sử này là bước khởi đầu cho việc tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Cuba và Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác tại châu Mỹ và trên thế giới”.
THÀNH NAM