Chương trình giáo dục hợp thời thế

Chính phủ New Zealand vừa công bố tài liệu mới về biến đổi khí hậu để các trường bắt đầu dạy cho học sinh nước này. Theo đó, mỗi trường sẽ nhận được nguồn tài liệu bao gồm sách, video và những lời khuyên dành cho giáo viên. 

Đây được cho là những công cụ giúp các em học sinh tự lên kế hoạch tuyên truyền tích cực của riêng mình và giải tỏa những cảm xúc lo lắng về hiện tượng ấm lên toàn cầu. Một công cụ trong chương trình còn giúp học sinh đề ra và thực hiện kế hoạch hành động về một vấn đề môi trường cụ thể. 

Bộ trưởng Giáo dục New Zealand Chris Hipkins cho biết: “Trẻ sẽ được dạy về vai trò của khoa học trong việc nắm bắt tình trạng biến đổi khí hậu, giúp hiểu biết về việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như tác động của nó trên phạm vi toàn cầu, quốc gia và địa phương…”. Được thiết kế cho học sinh từ 7 đến 10 tuổi, chương trình giảng dạy về biến đổi khí hậu giải thích vai trò của khoa học trong việc tìm hiểu biến đổi khí hậu, nói về tác động của nó trên phạm vi toàn cầu và trong nước, đồng thời xem xét cách học sinh có thể góp phần giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống hàng ngày.

Sinh viên New Zealand tuần hành kêu gọi chống biến đổi khí hậu. Ảnh: stuff
Tháng 9 năm ngoái, các nhà tâm lý học Anh từng cảnh báo việc những người trẻ cảm thấy bị phản bội và bỏ rơi bởi những thế hệ đi trước qua việc hành động không quyết liệt về vấn đề khí hậu. Giới khoa học cho rằng, Trái đất đã ấm lên khoảng 1,20C kể từ Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1860) do phát thải khí CO2 từ việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch; đồng thời lo ngại tốc độ đó có thể gia tăng trong thế kỷ này, kéo theo những hậu quả khủng khiếp. Quỹ từ thiện Tim mạch Anh cũng cảnh báo trong thập niên tới sẽ có hơn 160.000 người tử vong vì đột qụy hay đau tim, và thủ phạm gây ra các căn bệnh này là ô nhiễm không khí. Riêng năm 2019 được ghi nhận là năm nóng thứ tư trong lịch sử New Zealand. Do vậy, năm ngoái, hàng ngàn học sinh và sinh viên trên khắp nước này đã hưởng ứng phong trào bãi khóa của các bạn học trên toàn cầu, xuống đường biểu tình kêu gọi lãnh đạo thế giới hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu.


Thủ tướng Jacinda Ardern từng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đe dọa thế giới và các quốc gia không nên né tránh vấn đề này để thế hệ tương lai không phải gánh hậu quả nặng nề. Hồi cuối năm ngoái, kế hoạch giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050 của New Zealand đã chính thức trở thành luật sau khi được quốc hội thông qua. Riêng khí methane, phụ phẩm của chăn nuôi gia súc, được ấn định mục tiêu cắt giảm khoảng từ 24%-27%. Chăn nuôi là ngành kinh tế chủ đạo của New Zealand, nhưng cũng đang chiếm 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính của quốc gia chưa tới 4,9 triệu dân này. Được biết, các nhà khoa học New Zealand đã bắt đầu chương trình chỉnh sửa gen nhằm tạo ra giống cừu xanh, có mức phát thải methane thấp hơn bình thường và dự kiến cung cấp con giống cho nông dân trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, chương trình giáo dục về biến đổi khí hậu cũng gặp phải luồng ý kiến trái chiều từ một số nông dân cho rằng tài liệu mới không được cập nhật nghiêm túc khi khẳng định nước thải và phân động vật của các trang trại bò sữa đang gây ô nhiễm môi trường…

Tin cùng chuyên mục