10 năm liền, đoàn công tác Mùa xuân biên giới do Báo SGGP chủ trì luôn có những chuyến hải hành sóng nhồi, gió đập có khi phải vượt hàng trăm cây số đường rừng, “Cây phong ba trên đảo cứ nghiêng về hướng TP mang tên Bác mỗi khi gió thổi mạnh. Đâu chỉ có người nhớ người mà cây cỏ trên đảo cũng nhớ... Tết sau ta lại gặp nhau nhé...”, những lời ước hẹn bâng quơ ấy đã khiến trái tim các thành viên đoàn Mùa xuân biên giới nôn nao mỗi năm, khi trời trở gió sang mùa…
Năm 2003. Theo đề nghị của Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Nguyễn Tuấn Khanh, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết đã giao Báo SGGP giúp Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Tổng Biên tập Phan Hồng Chiến đã đồng ý cho nhóm thực hiện chỉ đạo trên tổ chức 2 chương trình tại Gia Lai: Chương trình ca nhạc từ thiện - Mùa xuân cho em và chương trình xã hội - Mùa xuân biên giới. Tiền lãi thu được từ Mùa xuân cho em đã giúp 1.956 người mù nghèo ở Gia Lai tìm lại ánh sáng.
Bà Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch nước đã bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng sau buổi làm việc quan trọng để đi xe xuyên đêm về đến Gia Lai lúc 2 giờ sáng cho kịp dự lễ công bố: Xóa mù do đục thủy tinh thể trên toàn tỉnh Gia Lai, lúc 8 giờ sáng ngày 1-9-2003. Mẹ VNAH người Jarai tên A Mí, nghe giới thiệu người vừa mở băng mắt cho mẹ là Phó Chủ tịch nước đã áp bàn tay bà Trương Mỹ Hoa vào gò má nhăn nheo nói to: “Giàng ơi, Đảng cũng giúp dân mình sáng mắt được đấy”. Lễ Quốc khánh năm ấy, dân Gia Lai vui tưng bừng hơn tết.
Trong hành trình của đoàn Mùa xuân biên giới, đoàn bác sĩ Viện Tim đã cứu không ít người thoát chết giữa rừng. Một ông cụ người Brâu ở Kon Tum được đưa đến khi hơi thở rất yếu. Một cuộc hội chẩn chớp nhoáng diễn ra giữa rừng. “Chúng ta sẽ làm hết sức trước khi chuyển được ông bác đó lên tuyến trên”, bác sĩ Thanh Huy, Bí thư Chi đoàn Viện Tim đã nói thế với cả nhóm. Và ông cụ đã được xe cấp cứu của tỉnh Kon Tum chuyển đi sau khi tim không còn đập loạn nhịp.
Ở Cà Mau. Một bé gái 12 tuổi đến khám trong tình trạng bụng đau quằn quại và sốt cao đến lả người. Bác sĩ Chí Thành và bác sĩ Quốc Dũng hội chẩn và kết luận bé bị viêm ruột thừa cấp. Người mẹ nghèo đã khóc òa vì sợ bởi chị không có tiền chuyển viện cho con. Đoàn Mùa xuân biên giới mở cuộc quyên góp tại chỗ. Hơn 7 triệu đồng được nhét vào tay người mẹ khi xe cứu thương chuyển bánh.
Những cung đường 14C (đường mòn Hồ Chí Minh cũ) nhiều huyền thoại đầy bụi và gió với những ngã ba nghi binh giống hệt nhau khiến năm nào trong đoàn Mùa xuân biên giới cũng có một xe bị lạc đường.
Nhớ, có năm đến Đồn Biên phòng 725, những nhà báo, giảng viên, bác sĩ trẻ của đoàn đang cùng nấu bếp với bộ đội đã “chết điếng” khi nghe súng nổ rát tai phía sau đồn. “Có đụng độ à?”, Minh Bảo (HTV) thì thào hỏi Thiếu tá Bảo, đồn phó quân sự. Đồn phó cười, kể: Trận đánh vào đồi Pleime năm xưa, trong hang phía sau làn nước của thác có tổ nữ thông tin đóng quân. Các chị đã thông tin khẩn cho bộ đội đóng quân gần thác kịp di chuyển trước khi hàng loạt bom B52 đổ xuống… Và, đó là thông tin cuối cùng của tổ nữ thông tin ấy phát đi trước khi miệng hang bị bom lấp kín. Không thể mang hài cốt của các chị về quê mẹ, hơn 30 năm qua, Đồn 725 chọn ngày sát tết làm ngày giỗ và khởi đầu bữa giỗ bằng 3 loạt súng gọi hồn bên bìa suối…
Những chuyến đi của đoàn Mùa xuân biên giới không chỉ để ấm lòng cho lính giữ biên cương mà Ngọc Thúy, Kim Trang, Gia Bảo, Trung Trực (Mực Tím), Tất Dũng, Thành An, Mai Hạnh (ĐH Luật TPHCM) đã gìn giữ tình cảm ấy bằng cách tặng tài liệu ôn thi, giúp làm hồ sơ và đưa đón các chàng lính rừng đi thi đại học ở TPHCM. Vài bạn đã đậu và được các thành viên đoàn Mùa xuân biên giới giúp đỡ cho đến ngày ra trường.
Năm 2008. Hưởng ứng chương trình “Hướng về biển đảo” do Trung ương Đoàn vận động, đoàn Mùa xuân biên giới vượt biển ra đảo xa. Hai chiếc hải thuyền của Hải đoàn 2 chở đoàn Mùa xuân biên giới vượt biển Đông vào Hòn Chuối cứ nhồi lắc như đu võng giữa biển khơi vì gió Đông Bắc cấp 8. Phải lấy hết can đảm chúng tôi mới thả tay cho rơi người xuống những chiếc thuyền con đón người từ tàu lớn đang xoay, lắc như những chiếc lá giữa biển xanh thẳm để vào đảo.
Ở lớp học tuềnh toàng trên đảo Chuối, thầy giáo quân hàm xanh Nguyễn Quốc Tự lúng túng đón Bí thư Tỉnh ủy và đoàn Mùa xuân biên giới đến dự lễ khai giảng “trường học” bé nhất tỉnh với 14 học sinh từ 4 - 15 tuổi. Nhìn những đứa trẻ tóc vàng hoe vì gió và nắng biển ê a đánh vần bằng sách mới mà đoàn Mùa xuân biên giới mang từ TPHCM ra tặng, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc thật gần. Đang ca hát vui vẻ với lính đảo, Đại tá Phạm Văn Phong, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau, yêu cầu khẩn trương rời đảo vì bão đang tiến vào biển Đông. Xả hết tốc lực, hai chiếc tàu chạy đua với bão từ biển Đông sang mạn biển Tây để vào Hòn Khoai.
Trên Hòn Khoai chỉ có lực lượng vũ trang, không có dân sinh sống. Hơn 30 năm, lần đầu tiên các chiến sĩ giữ đảo đón một đoàn khách rất đông trong đó có hơn 20 cô gái đến từ TPHCM. Đêm. Sương xuống ướt vai áo nhưng họ vẫn hát, cười nói, nhảy múa cùng nhau cho đến khi ánh dương sáng hửng lên ở hướng biển Đông xa tít. Bịn rịn mãi rồi cũng phải chia tay, những chiếc áo xanh của lính biên phòng chen lẫn những chiếc áo trắng của lực lượng Hải quân vùng E đứng bên mép nước vẫy tay mãi cho đến khi họ chỉ còn là những cái chấm chấp chới trong ánh nắng ban mai…
| |
PHẠM THỤC