
Đã bao thi nhân, văn sĩ cổ kim lúc sinh thời ẩn dật, ít hiển lộ hoặc đâu đó họ đi qua đời nhau thoáng chốc, thế nhưng khi mất thì cả một kho tàng văn chương của họ được đào xới và bất ngờ này dẫn đến kinh ngạc kia. Họ sừng sững cùng thời gian. Thế gian tán thán: Thiên tài! Tài hoa mệnh bạc!...
Tôi lại dừng thật lâu trước trang sách.
Tôi lại dừng thật lâu trước bàn phím.
Tôi điểm lại những cái tên của ngày tôi đang sống. Họ là những người anh, người chị, người bạn, người em trên văn đàn. Trong số họ có tác phẩm đáng ngợi ca, noi theo; có tác phẩm làm mình ngẫm ngợi; có tác phẩm khi đọc nó mình tự soi lại mình để được trưởng thành hơn…

Trong cuộc chơi ấy đầy cam go và thử thách. Nó thanh lọc ngay lúc bạn vừa xuất phát. Mà nói gì đi nữa thì văn chương, trên hết, phải sống với nhau chân tình, giữ lễ thì văn chương ấy mới đằm sâu. Người trút chữ nghĩa ấy sẽ để lại nỗi nhớ niềm thương trong lòng bạn bè da diết, sâu sắc nhất. Văn chương ư? Có thể một câu, một đoạn, một bài, một gia tài đã, đang và sẽ nhưng chẳng làm nên thành lũy gì hoặc cũng chỉ một câu, một đoạn, một bài hoặc đã, đang và sẽ lại là cả một tài sản quý, đẹp, yêu thương, trân trọng để mà gìn giữ và nhắc đến tên nhau trong ngày đẹp mãi.
Nếu sống tốt với nhau thì còn sống hoặc khi đã mất, mọi người luôn hằng nhớ.
Tác phẩm dù thơ, dù văn tự nó khi vụt khỏi tay người đã có một đời sống riêng tách bạch với tác giả. Nó có thể chết yểu ngay nơi bàn viết hoặc độc giả còn nhớ tới bài thơ, mẩu văn ấy được dăm ba ngày, dăm ba tháng, một vài năm, vài chục năm đến vài trăm năm hoặc là lâu lắm không chừng…
*
Một bạn viết trẻ vừa đột ngột qua đời như kịp cảnh tỉnh vô thường cho chúng tôi ngày đang sống về lẽ sống - còn, được - mất một cách rõ rệt nhất.
Tôi biết bạn từ 5 năm trước, bạn ấy đầy nhiệt huyết, nhiều nét cọ vẽ tương lai, táo bạo, liều, sáng tạo và xốc nổi do thiếu kinh nghiệm, thiếu những hoạch tính cụ thể mà nó mang tính “nghệ sĩ” nhiều hơn nên rồi thất bại trên đường chọn lựa nghề nghiệp.
Bạn vẫn phong độ, sống bộc trực và tình nghĩa. Một tình yêu văn chương đằm sâu mà cháy bỏng đến nỗi khướt từ và bất chấp tất cả (…). Bạn làm sách cho anh em, bè bạn, bạn ấp ủ ra một cuốn sách đầu tay, nhưng lần lữa và chưa in khi sinh thời. Thế nhưng, bản thảo đã lập trình gọn ghẽ từ những năm 2012.
Những lần trước ngồi ô tô bạn, mình nghe nhạc trẻ, nhạc giao hưởng và bạn vẫn xa xăm trong nếp nghĩ. Tháng 3-2016 là lần cuối cùng mình ngồi ô tô bạn chở cùng đoàn nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TPHCM có chuyến giao lưu thực tế sáng tác tại Bình Phước. Lúc ấy, bạn đã nghe nhạc vàng, nhạc đỏ và trong cách nói đã trưởng thành.
Đọc thơ bạn rải rác, giờ cầm lại quyển thơ “Bao giờ đến được cánh đồng” được bạn chia làm 4 phần, có cả thảy 43 bài thơ. Lướt qua tựa bài mình thấy đó là những dợn sóng của thân phận, tình yêu, cái chết, dự cảm và đến với đạo. Phải chăng bạn đã đi từ bên ngoài mình để rồi dần bước hẳn vào bên trong mình để tìm mình, tìm lại cái nguyên thủy của bản tánh, nhưng khó quá… Vì bạn chưa xong cuộc chơi: Không dám nhìn thẳng vào góc khuất của chính mình (quan điểm của Phật). Nhưng bạn đã thấy và hành theo lẽ thật: Phật là tấm gương tôi soi từng ngày (Phật và tôi). Bài thơ lục bát “Bóng mình” rất gần với đạo, chí ít đó cũng là đạo làm người, bởi chúng ta một góc khuất nào đó vẫn: Rất cần một chút niềm thương/Để ta vá víu chiếc xuồng tâm linh.
Và Hoa Níp, từ “đi cạn chân trời” với những câu thơ: Tìm ở đâu điều mới, vẹn, trinh, nguyên/Một trận gió đã phai mòn sự thật/Dưới gầm trời có một điều thật nhất/Người yêu người như sâu bọ yêu nhau; đến “thở đến hơi thở cuối cùng” với đoạn kết bài thơ trăn trở nhưng kiên quyết: Tôi bỏ cuộc nhậu giữa chừng vui/ Vì tôi thấy không vui nữa/ Thử tưởng tượng cảnh các vị thần đang nhậu, và loài người chúng ta đang nằm trên đống lửa/ Đương nhiên, chúng ta vẫn phải thở đến hơi thở cuối cùng. Đó là cuộc chuyển mình, trăn trở của tuổi trẻ, khát vọng của cống hiến, dự cảm sự chia lìa, tìm lại mình từ đổ nát. Do đó, bạn luôn có sự chuẩn bị. Và bài thơ của bạn mà chúng tôi viếng bạn bên mộ hôm tuần thất thứ bảy đầy sự cháy. Ngọn lửa ấy ám ảnh thân phận và chia sẻ một tình yêu con người đọng lại trong anh, trong em và trong tôi. Đó là bài thơ “Cần chuẩn bị cho một cuộc chia ly” (Lời nguyện cầu cho những thân phận bị cuốn vào làn sóng tự sát ở Nhật Bản):
Cần chuẩn bị cho một cuộc chia ly.
Mong bạn luôn nhớ đến tôi.
Tha thứ về những gì tôi chưa làm được.
Nhưng đó là tất cả nhận thức của tôi về Thế giới.
Tôi ích kỷ rồi chăng khi chỉ cháy cho riêng mình.
Cuộc chia ly nào không cần sự cháy.
Xác tro tàn rơi rụng xuống trăm năm.
Trong sắc xuân dưới cội anh đào.
Tôi ích kỷ rồi chăng khi chỉ cháy cho riêng mình.
Anh đào chỉ đẹp khi hoa đang rơi với gió mùa xuân.
Vì lúc rơi là lúc người ta đang cháy.
Vì khi rơi là khi đẹp nhất.
Và nhớ những chiếc đèn trời tôi thả.
(13-9-2008)
Vì bạn đã “ngộ” ra một điều rất thật:
Mọi thứ ở sau một kiếp người
Công danh, quyền lực nhiều cách mấy
Cuối cùng cũng nỏ lại sau lưng.
(Úp mặt vào tường, năm 2007)*
Và ngay giây phút này, những người anh em của bạn đã và đang làm cuộc tiễn đưa đầy trân trọng, quý mến bạn qua việc xuất bản và ra mắt sách hai tập bản thảo đầu tay của bạn mà sinh thời bạn dày công chuẩn bị bản thảo nhưng chưa xuất bản. Đó là “Bao giờ đến được cánh đồng” (thơ, NXB Hội Nhà văn, tháng 7-2016) và “Nàng là nước Mỹ” (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, tháng 7-2016). Nào, Hoa Níp - hãy bay ra cánh đồng làm một cuộc chuyển sinh đẹp nhé!
TRẦN HUY MINH PHƯƠNG