

Ca sĩ Quang Dũng trong liveshow “Chuyện tình”. Ảnh: AN DUNG
Chưa bao giờ làng âm nhạc Việt Nam lại có quá nhiều vấn đề như hiện nay. Ca sĩ nhiều đến mức không thống kê nổi, những gương mặt giống nhau, những giọng ca giống nhau, những giai điệu như đã từng nghe đâu đó song lại được giới thiệu là sáng tác mới, chưa kể nó còn được gắn bởi những ca từ nhạt nhẽo, nhảm nhí…
Những giọng ca sinh ra từ công nghệ
Thời của các giọng ca được thẩm định bằng thước đo nghệ thuật, bằng khả năng cảm thụ âm nhạc của khán giả đã dần qua…
Ca sĩ Đ.Q, một gương mặt đoạt giải Tiếng hát truyền hình, đã có một thời gian dài làm công việc “hát kiệu” cho các giọng ca của công nghệ lăng xê. “Hát kiệu” nghĩa là bên cạnh sự hỗ trợ bằng máy móc hiện đại, kỹ thuật mix thì người “kiệu” có nhiệm vụ giúp “ngôi sao” tương lai từng câu một trong bài hát, giúp cho đối tượng hát đúng. Anh cho biết, không chỉ anh mà một số ca sĩ, sinh viên khoa thanh nhạc, nhạc sĩ có chất giọng cũng đi làm công việc này. Tất cả bởi mưu sinh.
Đối tượng của công nghệ “hát kiệu” là những cậu ấm, cô chiêu có ngoại hình, gia đình có tiền bạc, họ chỉ thiếu thực lực nên sẵn sàng dùng tiền để mua hào quang. Chưa hết, các ca sĩ còn được sự trợ giúp của các nhóm bè để che bớt những khiếm khuyết trong giọng ca ở những đoạn yêu cầu quá khả năng.
Những giọng ca sinh ra từ công nghệ lăng xê không thể hát bất cứ ca khúc nào mà chỉ có thể hát những ca khúc không quá phức tạp về âm vực, đó chính là lý do vì sao xuất hiện những nhạc sĩ chuyên sáng tác theo đơn đặt hàng của ca sĩ. Ra album đối với các ca sĩ này xem ra khá đơn giản, còn khi lên sân khấu họ sẽ… hát nhép! Xin kể ra đây một vài giọng ca của “công nghệ” này mà giờ đã lên hàng “sao”, đó là Q.V, H.P, T.V…
Đến việc “đạo nhạc” cả hình thức lẫn nội dung
Từ vụ án “Tình thôi xót xa” rùm beng đến nay số lượng những nghi án “đạo nhạc” vẫn không ngừng gia tăng.

Chất lượng nghệ thuật liệu có tương xứng với sự nồng nhiệt của khán giả? Ảnh: AN DUNG
Hiện tại, việc phát hiện hầu hết tác phẩm có dấu hiệu “đạo” đều xuất phát từ những thành viên trên mạng. Từ việc dịch lời bài hát, viết lời bài hát dựa trên giai điệu sau đó tuyên bố là sáng tác của mình cho đến “đạo” cách thực hiện clip… đã khiến cho khán giả dần mất lòng tin vào năng lực thực sự của không ít người trong giới nhạc Việt.
Một ca sĩ trẻ có chất giọng rất tốt, đang chiếm được thiện cảm của khán giả trẻ, bỗng ngày kia bị cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay, đồng thời viết rap chế giễu “Cớ sao lại đạo nhạc. Chớ nên làm trò hề. Lỡ như tình cờ một người ngoại quốc nghe được. Thì họ sẽ nghĩ sao về nhạc Việt. Nghĩ sao về người trình bày…”. Một loạt ca khúc của cô, ban đầu tuyên bố là tự sáng tác, sau đó thì nói rằng nhạc ngoại quốc lời Việt và cô đã mua bản quyền. Tuy nhiên, việc trả lời như thế xem ra vẫn không thuyết phục được các fan.
Một nữ ca sĩ hàng “sao” khác lại bị cáo buộc về tội copy nguyên si clip của một ca sĩ Đài Loan (Trung Quốc). Trả lời về sự giống nhau này, H.Q.H cho rằng cô vô tội, chỉ làm mọi thứ theo ý đồ của đạo diễn!
Nổi lên sau ca khúc viết về tệ nạn cờ bạc, D.M không ngờ có một ngày ca khúc của anh lại bị mang lên “bàn mổ” để phân tích sự giống nhau với một ca khúc Campuchia. Anh cho rằng vì đã hát ca khúc này nhiều ở sòng bài Campuchia nên có lẽ đã bị copy...
Gần đây nhất là vụ của một ca sĩ vô danh bỗng trở nên nổi tiếng vì nghi “đạo” nhạc Hàn Quốc, ca khúc “Rising sun”, khiến cho bên bạn cũng phải lên tiếng. Rồi nhạc sĩ N.V.P với “Vầng trăng khóc” y chang bài hát của Thái Lan khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc… Không thể liệt kê hết những nghi án “đạo” nhạc, bởi thống kê càng nhiều, càng tạo nên sự bi quan, chán nản cho công chúng.
Cát-xê tăng vô tội vạ...
Không dừng lại ở chuyện thu nhập cao thấp, cho đến nay cát-xê vẫn là chuyện phân định đẳng cấp, mức độ ăn khách của ca sĩ. Dù không có quy định nào cụ thể, nhưng mỗi giọng hát đều có chuẩn riêng để bầu sô định giá.
Theo giới bầu sô, dù sân khấu ca nhạc đang bão hòa, nhưng giá cát-xê ca sĩ lại đang có chiều hướng đi lên. Không để nhà tổ chức chủ động, các ca sĩ giờ đây tự định giá cho mình. Ngoài việc dựa vào sức hút tên tuổi của mình, các ca sĩ còn cân đo đong đếm thực lực của nhà tổ chức. Khi nhìn vào thương hiệu, chương trình có tài trợ, hoặc các sô quảng bá sản phẩm… thì con số đàm phán sẽ nhảy vọt lên… gấp đôi.
Để sở hữu những giọng ca hàng đầu như: Đ.V.H, Q.D, M.T… nhà tổ chức chương trình phải chi 30 - 40 triệu đồng/sô diễn. Với những chương trình có dính đến tên doanh nghiệp thì con số phải 3.000 – 5.000 USD.
Biên tập của một đài truyền hình cho biết, để có sự xuất hiện của ngôi sao nữ nhạc pop trong một chương trình ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, BTC phải chi… 55 triệu đồng với 2 bài hát. Sau khi đồng ý góp hơn phân nửa số tiền… để lấy tiếng thơm (!?), người đẹp ẵm gọn 25 triệu đồng còn lại chỉ sau ít phút xuất hiện… Các cuộc thi hát nở rộ, những chương trình ca nhạc “có tài trợ” trên truyền hình lên sóng đều đặn đã nhanh chóng đưa một số gương mặt trẻ thăng hạng. Từ vài ba triệu đồng/chương trình, họ đã tiến đến cát-xê 15 - 20 triệu đồng với 2 – 3 bài hát.
Điều đáng nói là cát-xê của ca sĩ không đồng nghĩa với chất lượng chuyên môn mà được đo bằng tiếng vỗ tay, số vé bán được, nên không tránh khỏi những chênh lệch đến mức khó tin giữa những người trong cuộc. Không ít giọng ca thuộc hàng hiếm, chịu khó học hành, nhưng sau hơn chục năm trong nghề vẫn phải chấp nhận “đi trước về sau” với mức giá chỉ bằng phân nửa.
Liệu sự tẩy chay của công chúng, sự siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng có góp phần làm hạn chế những nhức nhối trong làng nhạc Việt hay không? Và bao giờ thì khán giả mới có được sự công bằng trong việc thưởng thức nghệ thuật đích thực được đo bằng sự lao động nghệ thuật nghiêm túc? Đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời!
Nhóm PV