Chuyện buồn sau quy định cấm dạy thêm

Mấy ngày qua, thông tin một nữ giáo viên Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình, TPHCM) bị hội đồng sư phạm nhà trường yêu cầu viết tường trình, sau đó nhắc nhở, không xét thi đua năm học 2016-2017 do tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường đã tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.
Chuyện buồn sau quy định cấm dạy thêm

Mấy ngày qua, thông tin một nữ giáo viên Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình, TPHCM) bị hội đồng sư phạm nhà trường yêu cầu viết tường trình, sau đó nhắc nhở, không xét thi đua năm học 2016-2017 do tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường đã tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.

Chuyện buồn sau quy định cấm dạy thêm ảnh 1

Quy định vốn mang ý nghĩa tích cực
đã trở thành công cụ cho sự đấu đá



Người cảm thông thì cho rằng cô giáo tuy mở lớp dạy thêm nhưng không lôi kéo học sinh của mình (cô dạy chính khóa lớp 1, mở lớp dạy thêm tiếng Anh lớp 4, 5). Ngay khi lớp học bị giải tán, các phụ huynh có con đang theo học tại đây đã đồng loạt ký tên vào đơn xin tiếp tục mở lớp. Hành động này tuy sai về mặt quy định (phụ huynh muốn con học thêm tiếng Anh phải đăng ký ở các trung tâm ngoại ngữ hoặc bồi dưỡng văn hóa, vì theo quy định giáo viên tiểu học không được phép mở lớp dạy thêm) nhưng cho thấy việc mở lớp xuất phát từ nhu cầu tự nguyện của phụ huynh. Hơn nữa, nội dung mà cô giáo trên giảng dạy ở lớp học thêm không phải chương trình tiếng Anh theo đề án của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) mà chỉ rèn kỹ năng ngoại ngữ để học sinh thi các chứng chỉ Movers, Flyers theo chương trình tiếng Anh Cambridge.

Theo một đại diện Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cô giáo vẫn có thể tiếp tục công việc này tại các trung tâm dạy thêm được cấp phép bên ngoài theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Và phụ huynh, nếu có nhu cầu cho con theo học cô giáo có thể chỉ định đăng ký cô này giảng dạy ở các trung tâm. Như vậy, hành động giáo viên này tự ý mở lớp dạy thêm tuy trái quy định của TP nhưng chưa tạo ảnh hưởng tiêu cực, không xảy ra tình trạng o ép, dạy trước chương trình cho học sinh như nhiều người lo lắng. Song, cũng vì cách làm “sai về lý nhưng có thể thông cảm về tình” nói trên đã khiến một bộ phận dư luận cho rằng giáo viên này đã tạo ra tiền lệ xấu, khiến quy định cấm dạy thêm, học thêm của UBND TPHCM vừa ráo mực đã có ngay trường hợp đầu tiên vi phạm.

Để nhìn nhận rõ hơn câu chuyện này, chúng tôi đã tìm hiểu tại đơn vị chủ quản trường học cô giáo nói trên, Phòng GD-ĐT quận Tân Bình. Theo một lãnh đạo phòng, sau khi quy định cấm dạy thêm, học thêm của UBND TP có hiệu lực, đơn vị đã nhận rất nhiều e-mail, đơn thư tố cáo giáo viên dạy thêm. Điều đáng nói là tất cả đơn thư, e-mail này đều viết theo kiểu nặc danh, có trường hợp còn gửi đi gửi lại nhiều lần một nội dung tố cáo với yêu cầu “phải xuống kiểm tra ngay”. Theo nhận định của vị này, trong những nội dung tố cáo, có trường hợp phản ảnh đúng sự thực, song có trường hợp chỉ xuất phát từ sự ganh ghét, đố kỵ nhau giữa các giáo viên. Một cách vô tình, quy định vốn mang ý nghĩa tích cực đã trở thành công cụ cho sự đấu đá, tạo thêm áp lực không đáng có cho giáo viên. Chúng tôi có dịp trao đổi với nhiều trưởng phòng GD-ĐT ở các quận, huyện khác. Nhìn chung, các phòng GD-ĐT đều đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, kết hợp song song với việc tác động về mặt tâm lý, hướng dẫn giáo viên có nhu cầu dạy thêm thực hiện công việc này sao cho hiệu quả, hợp tình hợp lý.

Sau khi quy định cấm dạy thêm được ban hành, điều mà xã hội đang đòi hỏi là bản lĩnh, sự công tâm của những người thực thi quy định. Xin đừng để mục tiêu tốt đẹp bị lợi dụng trở thành tiêu cực, để hình ảnh giáo viên trong mắt học sinh bị ảnh hưởng, nhất là khi ngày tôn vinh các nhà giáo đang đến gần…

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục