Chuyện chống tệ nạn xã hội ở một khu phố

Khoanh vùng trọng điểm, bám sát đối tượng
Chuyện chống tệ nạn xã hội ở một khu phố

Năm 2000, nhắc đến khu phố 7, P22 Q.Bình Thạnh (TPHCM) là người ta nghĩ đến một tụ điểm buôn bán ma túy, một địa bàn trọng điểm về tệ nạn xã hội. Đây cũng là khu phố nghèo nhất, nhì của quận, đời sống người dân còn khó khăn với hơn 40% hộ dân chưa có đồng hồ điện, đồng hồ nước, nhiều hộ còn ở nhà tạm… Khu phố 7 hôm nay đã là “khu phố sạch” và đang đổi thay từng ngày…

Khoanh vùng trọng điểm, bám sát đối tượng

Bí thư chi bộ, Trưởng ban điều hành khu phố Nguyễn Đức Dụ (bìa trái) thường xuyên thăm hỏi, bám sát dân. Ảnh: Th.h.

Bí thư chi bộ, Trưởng ban điều hành khu phố Nguyễn Đức Dụ (bìa trái) thường xuyên thăm hỏi, bám sát dân. Ảnh: Th.h.

Nói về tụ điểm buôn bán ma túy, ông Nguyễn Đức Dụ, Bí thư chi bộ, Trưởng ban điều hành (BĐH) khu phố, cho biết: “Nó được ví như “cái ao bèo”, khi lực lượng công an tổ chức đánh phá thì các đối tượng giãn ra, thế nhưng chỉ ngưng một thời gian thì chúng lại hoạt động bình thường, thậm chí tinh ma hơn, mánh khóe hơn.

Trong gia đình, nếu bố mẹ bị bắt thì con cái họ lại “tiếp nghề”. Cứ thế, tình hình ngày càng phức tạp”. Ông kể tiếp: “Không ít lần công an nhận được thông tin có đối tượng mua bán dâm dẫn nhau vào “điểm” nhưng khi khám xét thì hiện trường “sạch sẽ”, không còn dấu vết. Ở tất cả cửa ngõ vào khu phố chúng đều cài người canh gác, nên nếu có động tĩnh gì chúng biết hết”.

Khu phố 7 có 15 tổ dân phố, gần 10 đảng viên sinh hoạt thường kỳ, phần lớn là cựu chiến binh (CCB), cán bộ hưu trí. Trong các cuộc họp chi bộ, BĐH khu phố, tổ dân phố, vấn đề được đưa ra mổ xẻ: Tại sao chúng có thể hoạt động lâu dài như thế? Tại sao các hộ dân xung quanh lại không tố cáo? Đồng thời, chi bộ cùng thống nhất phương châm: “Cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần”, khoanh vùng trọng điểm, phân loại và bám thật sát các đối tượng tình nghi… Chủ trương gần dân để nắm sát tình hình, phối hợp với dân để “gỡ” dần từng việc cũng được chi bộ thông qua. Mặt khác, chi bộ đã tìm cách vận động lực lượng CCB khu phố, đưa họ cùng vào cuộc trên trận tuyến mới - chống tệ nạn xã hội, với vai trò là lực lượng chủ chốt.

Những “trinh sát CCB”

Mỗi CCB khu phố được xem như một “trinh sát” thực thụ với nhiệm vụ: nắm rõ đối tượng mua, bán ma túy. Trong khu phố, hộ nào bán, trong hộ ấy ai lấy hàng, ai giao hàng, ai nhận tiền, cách trao đổi hàng, quy luật mua - bán như thế nào đều được nắm rõ và thông báo cho cơ quan công an. Nhờ thế, chỉ hơn 1 năm sau, 13 hộ buôn bán ma túy tại khu phố đã bị tóm gọn.

Để tuyên chiến với nạn mại dâm, chi bộ khu phố đặt làm biển treo tại một số điểm trong khu phố, trên biển có đề rõ: “Khu vực chống mại dâm”. Bên cạnh đó, chi bộ cho lực lượng dân phòng chốt chặn tại các đường, hẻm ra vào khu phố. Có người lạ xuất hiện, lập tức lực lượng dân phòng hỏi xem họ đi đâu, vào nhà ai…

Bằng nhiều hình thức, BĐH khu phố đã nắm được cách xây dựng, bố trí nhà cửa của các hộ tình nghi là chủ chứa. Chi bộ cũng phối hợp các cấp chính quyền, vận động các nguồn lực xã hội để chăm lo đời sống người dân như: hỗ trợ sửa chữa nhà tạm, xây nhà tình thương, tặng đồng hồ điện, kéo lắp ống dẫn nước sạch sâu vào từng hẻm, thành lập các tổ sản xuất thu hút lao động nghèo…

Bên cạnh đó, BĐH khu phố đã đến từng hộ vận động và yêu cầu ký vào giấy cam kết không dính vào tệ nạn xã hội, đoàn kết xây dựng khu phố trong sạch. Trong giấy cam kết có điều khoản cho phép BĐH khu phố được đến kiểm tra, giám sát bất cứ lúc nào. Lực lượng CCB và dân phòng cũng tăng cường việc tuần tra, truy quét gái đứng đường…

Với các đối tượng nghi ngờ có sử dụng ma túy, chi bộ khu phố lập danh sách theo dõi. Sau đó, các thành viên BĐH, các đảng viên chi bộ khu phố một mặt gần gũi, tâm tình với từng gia đình để thuyết phục họ đưa con cháu đi cai nghiện, mặt khác tiếp cận các đối tượng “tình nghi” để trò chuyện, khuyên nhủ.

Các CCB tiếp tục nhiệm vụ “trinh sát”, cách ly đối tượng, tuần tra, cấm tụ tập. Cứ thế, 54 đối tượng nghiện trong khu phố đã lần lượt được phát hiện và đưa đi cai. Trong thời gian các em đi cai nghiện, BĐH khu phố kết hợp với phường, quận thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình các em.

Năm 2005, khu phố 7 đã xóa sạch tụ điểm buôn bán, tiêm chích và sử dụng chất ma túy, mại dâm. Dù vậy, công tác theo dõi, bám sát tâm tư nguyện vọng của các thanh thiếu niên trong khu phố vẫn được các đảng viên trong chi bộ, thành viên BĐH khu phố duy trì, quyết không để đối tượng mới phát sinh. Những con hẻm nhỏ ở khu phố xưa kia là địa điểm hút chích của con nghiện thì đầu năm 2008 đã được các đảng viên trong chi bộ đứng ra vận động bà con hiến đất, quyên góp tiền nâng cấp, mở rộng cho sáng sủa, khang trang.

Năm 2008, khu phố 7 vinh dự được chọn để báo cáo điển hình về phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tội phạm do Công an TPHCM tổ chức và đón nhận bằng khen của UBND TP.

Thanh Hợp

Tin cùng chuyên mục