Chuyển giao vị trí

Khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đẩy nước Mỹ vào tình trạng thất nghiệp với tỷ lệ trung bình luôn trên 9%. Bên cạnh đó, số liệu thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ phụ nữ có bằng cấp cao đang dần vượt qua nam giới. Những điều trên chỉ ra xu hướng ngày càng phổ biến rằng có nhiều đấng mày râu lui về để chu toàn công việc nội trợ, điều từng được nhắc đến trong quyển sách “Những ông bố bị hoán đổi vị trí, những người mẹ bảo bọc gia đình, chuyển biến từ những gia đình Mỹ” xuất bản năm 2009 của tác giả Jeremy Adam Smith.

Theo ước tính của các nhà nhân khẩu học, số ông bố nội trợ đã lên đến 2 triệu người vào năm ngoái, nghĩa là cứ 15 ông bố thì có 1 ông bố nội trợ. Giáo sư kinh tế học Mark Perry thuộc Đại học Michigan - Flint cho rằng: “Khoảng cách về học vấn và bằng cấp khiến phụ nữ dường như “ít bị tổn thương” hơn nam giới khi đối diện trước khủng hoảng. Việc nam giới ở nhà làm những công việc nội trợ truyền thống không còn là điều quá mới mẻ”.

Khảo sát mới nhất được thực hiện với những đối tượng từ 25 tuổi trở lên cho thấy, hiện nay có khoảng 10,6 triệu phụ nữ Mỹ có bằng thạc sĩ hoặc cao hơn. Con số này ở nam giới là 10,5 triệu. Trong đó, phụ nữ chỉ theo sau nam giới ở các lĩnh vực thương mại, khoa học và ngành nghề kỹ sư.

Cũng trong độ tuổi trên, có đến 20,1 triệu phụ nữ đã có bằng cử nhân so với 18,7 triệu nam giới. Khoảng cách an toàn 1,4 triệu người này là kết quả tăng đều đặn trong nhiều năm qua, bắt đầu từ năm 1996. Nếu xét về thu nhập thì mức lương toàn thời gian của nữ giới cũng được cải thiện đáng kể, bằng 78,2% so với mức lương của các quý ông, tăng khoảng 64% so với năm 2000.

Tỷ lệ thất nghiệp của nam giới đang ở mức 9,3% trong khi nữ giới chỉ 8,3%. Số phụ nữ không có việc làm, phải đảm đương toàn bộ công việc nội trợ đã giảm liên tục trong 4 năm qua. Con số được ghi nhận trong năm 2010 là 5 triệu người, nghĩa là cứ 4 phụ nữ đã lập gia đình chỉ có 1 bà “nội trợ toàn thời gian”.

Anh Todd Krater (38 tuổi), bố của 3 đứa trẻ, sống ở Chicago, tự mô tả mình là một ông bố nội trợ đủ chuẩn đã 7 năm nay. Anh quyết định lui về làm hậu phương khi vợ anh sau thời gian thai sản, quay lại làm việc và đạt được nhiều thành công với vị trí chuyên viên phần mềm của một tập đoàn lớn. Krater kể rằng, rất khó và phải mất khoảng thời gian khá lâu để anh làm quen được với suy nghĩ ở nhà chăm sóc các con của mình.

Anh đã nhận được sự động viên của người thân và những bà nội trợ, bạn bè của gia đình để tập trung vào nhiệm vụ mới của mình. Từ đó Krater có động lực viết trang blog “A Man Among Mommies” (địa chỉ: www.amanamongmommies.com) chia sẻ kinh nghiệm với những “người cùng cảnh ngộ”. Anh chia sẻ: “Những hình ảnh hiếm hoi về một ông bố không rời mắt khỏi con của mình giờ đã là điều bình thường. Áp lực duy nhất của chúng tôi là mang lại khoản thu nhập ít hơn cho gia đình”.

Cô Beth Latshaw, Đại học Công lập Appalachian ở bang Bắc Carolina, người thực hiện nghiên cứu về đề tài Làm cha (Fathering), nói rằng: “Lối mòn suy nghĩ phụ nữ có thể chăm sóc con, làm việc nhà tốt hơn nam giới đang dần được thay thế và cần được tư duy lại. Mục tiêu cuối cùng của những nghiên cứu là nhằm tạo ra những quan điểm mới, thân thiện với gia đình nhiều hơn nữa”. 

HÀ NHI

Tin cùng chuyên mục