Từ việc của IBM
Tháng 12-2017, IBM Việt Nam và đối tác Five9 triển khai công nghệ IBM Watson for Oncology tại Việt Nam nhằm hỗ trợ bác sĩ ung bướu đưa ra các lựa chọn phác đồ điều trị ung thư dựa trên bằng chứng. Theo đó, Five9 hợp tác với IBM để cung cấp công nghệ Watson for Oncology (Watson dành cho ung thư) cho các bác sĩ tại Việt Nam, với hy vọng sẽ xây dựng một hệ sinh thái mới trong ngành chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, nhằm mang những lợi ích của học máy (machine learning, một cách gọi khác của AI) vào lĩnh vực thực hành lâm sàng, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh.
GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định IBM Watson for Oncology là bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam. Công nghệ này có thể giúp hỗ trợ giải quyết thực trạng quá tải ở các bệnh viện, giúp bệnh nhân có phác đồ điều trị nhất quán ngay tại địa phương, giúp các bác sĩ có cơ hội cập nhật thông tin mới nhanh chóng, kịp thời… IBM Watson for Oncology cũng hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong việc tra cứu các thông tin chuyên môn với khối lượng lớn được cập nhật thường xuyên, nhằm giúp bác sĩ nắm bắt được những thông tin điều trị mới nhất trên thế giới, từ đó góp phần nâng cao chất lượng điều trị ung thư nói riêng và chất lượng khám chữa bệnh nói chung của Việt Nam.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, ca đầu tiên tại Việt Nam có những thành công bước đầu trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology để đưa ra phác đồ điều trị ung thư dựa trên bằng chứng. Theo đó, chị Đàm Thị H. được chẩn đoán ung thư phổi từ năm 2015, đã được điều trị nhiều lần tại một bệnh viện ở Hà Nội. Tháng 1-2018 bệnh của chị H. xấu đi, chị bắt đầu khó thở, đau xương do ung thư di căn vào xương. Chị phải giảm đau bằng morphin và fentanyl (một thuốc giảm đau nhóm opioid mạnh). Tháng 3- 2018, khi biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ triển khai IBM Watson for Oncology, gia đình đã đưa chị đến đây. Khi đó tình trạng của chị H. rất xấu, đau đớn nhiều, đi lại rất khó khăn do ung thư di căn vào xương cột sống và xương chậu, khó thở khi hoạt động do ung thư lan tràn khắp 2 phổi. Tại đây, các bác sĩ đã hội chẩn với sự tham khảo từ IBM Watson for Oncology. Phác đồ điều trị do hệ thống Trí tuệ nhân tạo đưa ra có sự thống nhất cao với hội đồng chuyên môn. Chị được quyết định điều trị với một thuốc điều trị trúng đích sinh học thế hệ 3 mới nhất, cùng chỉ định xạ trị giảm triệu chứng vào vị trí di căn xương. Sau 1 tháng điều trị, chị H. có thể đi lại bình thường, không phải sử dụng thuốc giảm đau và phim chụp phổi của chị đạt được sự đáp ứng rất tốt, các khối u đã gần như biến mất. Hiện nay, sức khỏe chị H. đã tốt và rất ổn định!
Giữa năm 2018 vừa qua, Bệnh viện K trung ương cũng đã hoàn thành thử nghiệm hệ thống IBM Watson for Oncology trên 200 hồ sơ bệnh án, kết luận hệ thống đưa ra phác đồ điều trị có sự tương đồng lên tới hơn 90% so với quyết định của các chuyên gia ung thư hàng đầu. Với kết quả này, Bệnh viện K trung ương nhận định, có thêm một công cụ hữu ích ứng dụng AI trong việc lựa chọn phác đồ điều trị ung thư phù hợp… PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), khẳng định: “Ngày nay, phát triển và ứng dụng AI trong y tế là xu thế tất yếu của thời đại. Công nghệ nền tảng điện toán biết nhận thức của IBM trong công tác hỗ trợ điều trị ung thư dựa trên bằng chứng với dữ liệu lớn (Bigdata), cụ thể là dựa trên hơn 1,5 triệu hồ sơ bệnh án và cập nhật dữ liệu theo thời gian 1 tháng/1 lần, là công nghệ tiên tiến hiện nay trên thế giới. Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ IBM Watson for Oncology ở các cơ sở khám chữa bệnh để tư vấn hỗ trợ các bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư một cách khách quan, chính xác, phù hợp và hiệu quả hơn”.
Đến chuyện của FPT
GS Hồ Tú Bảo (thành viên Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và Viện John von Neumann - Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, trong tình hình hiện nay, Việt Nam nên tập trung phát triển AI ở những lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, y tế, giáo dục… Chỗ nào có dữ liệu thì chúng ta nên đưa AI vào phát triển. Chẳng hạn, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia để đánh giá cung - cầu trong nông nghiệp, nhằm tránh tình trạng được mùa - mất giá… Nhìn khách quan, việc nghiên cứu và phát triển AI hiện đều được các công ty công nghệ
Việt Nam quan tâm ở rất nhiều lĩnh vực. Từ FPT, Viettel, VNPT, VNG đến CMC, Bkav... đều ít nhiều đã tuyên bố việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến FPT.
Chính thức ra mắt tại Ngày công nghệ FPT 2017, FPT.AI là một nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo để các lập trình viên tạo ra giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên. FPT.AI hiện hỗ trợ 2 ngôn ngữ, gồm tiếng Anh và tiếng Việt. Các giải thuật trí tuệ nhân tạo của FPT.AI được đội ngũ nghiên cứu của FPT phát triển và ứng dụng những kỹ thuật học máy, học sâu mới nhất. FPT.AI đã nhận được hàng triệu yêu cầu/tháng. Hiện đã có hơn 4.237 nhà phát triển sử dụng, có hơn 1.000 ứng dụng được tạo ra. Các nghiên cứu từ nền tảng trí tuệ nhân tạo của FPT hiện đang được đưa vào ứng dụng phục vụ cho đất nước như trong Giao thông thông minh (nhận diện biển số, thu phí không dừng, trợ lý chatbot); Y tế thông minh (khuyến nghị đơn thuốc, trợ lý ảo…)… FPT.AI hiện cũng đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước dùng để nghiên cứu triển khai các giải pháp kinh doanh.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT, cho biết nền tảng FPT.AI hiện được ứng dụng khá nhiều trong nội bộ FPT cũng như các doanh nghiệp khác. Ví dụ như FPT Shop đã dùng FPT.AI để triển khai robot tư vấn bán hàng tự động cho khách hàng thông qua Facebook; FPT Software sử dụng để xây dựng trợ lý ảo về đảm bảo chất lượng, giải đáp hơn 700 thắc mắc thường gặp cho 10.000 nhân viên công ty. Một số công ty khác đã sử dụng công nghệ của FPT.AI để phát triển các giải pháp kinh doanh.
Công ty Ciditech cho biết đã sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói của FPT.AI để phát triển ứng dụng tổng hợp tin tức bằng giọng nói, chuyển các bài giới thiệu (presentation) thành giọng nói và chuyển nội dung văn bản thành lời đọc cho video, rút ngắn thời gian làm video từ gần một tiếng xuống còn khoảng 15 phút. Công ty VHT Việt Nam cũng sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói của FPT.AI cho các dịch vụ chăm sóc khách hàng, có thể tự động gọi đến một tập khách hàng lớn.
Theo ông Lê Hồng Việt, công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói của FPT.AI hiện tại đã hoạt động tương đối tốt nhưng công nghệ chuyển lời nói thành văn bản vẫn còn hạn chế. FPT hy vọng việc mở FPT.AI cho cộng đồng sẽ giúp công nghệ này hoàn thiện nhanh hơn. Con số hơn 7,5 triệu yêu cầu, hơn 2.000 giờ giọng nói được các đối tác của FPT.AI sử dụng chính là minh chứng rõ ràng nhất về những lợi ích và hiệu quả mà nền tảng này đem lại.
"Việt Nam từ thời trước đã tập trung vào học Toán, tiềm lực Toán học rất tốt. Do vậy, nếu đánh thức được tiềm lực đó thì chúng ta sẽ thuận lợi hơn những nước láng giềng ở Đông Nam Á để đẩy nhanh phát triển AI. Tuổi trẻ Việt phải có khát vọng, chí tiến thủ chiếm lĩnh, tấn công vào thành trì mới - AI. Mặt khác, chúng ta cũng nên chú trọng kết nối nguồn nhân lực chất lượng cao là các nhà khoa học Việt đang công tác, nghiên cứu tại nước ngoài ở lĩnh vực này" |