Trong buổi họp sơ kết học kỳ 1 năm học 2015-2016 tại Trường Trung học Thực hành Sài Gòn, nhiều phụ huynh ở khối lớp 6 và 7 không đồng tình với chủ trương gắn máy lạnh ở các lớp. Mặc dù đại diện hội cha mẹ học sinh mới dừng ở bước vận động và nói rằng những lớp gắn máy lạnh sẽ được giữ cho học sinh học đến khi ra trường nhưng nhiều phụ huynh vẫn phản đối.
Thực ra, ý tưởng thực hiện công trình xã hội hóa 100% này đã được đưa ra từ cuộc họp phụ huynh đầu năm nhưng nhiều người bàn ra vì nhiều lý do. Thứ nhất là phòng học rộng rãi, thoáng mát nên không cần thiết gắn máy lạnh. Thứ hai, sau khi gắn máy lạnh có thể sẽ dẫn đến việc học sinh thích ngồi trong lớp hơn là ra ngoài vận động. Thứ ba, tổng số tiền mỗi phụ huynh phải đóng cũng không nhỏ - khoảng 700.000 đồng. Đó là chưa kể, số tiền điện, bảo trì máy phải đóng hàng tháng và lớp học có diện tích rộng sẽ tốn nhiều điện.
Riêng tại cuộc họp của lớp con tôi, đại diện hội cha mẹ học sinh lại tỏ ra quá nhiệt tình với công trình này và tuyên bố “hùng hồn” rằng phụ huynh nào không muốn cho con học lớp có máy lạnh thì có thể xin sang lớp khác. Lẽ nào đại diện hội phụ huynh lại có quyền “to” như thế?
Trong khi nhiều phụ huynh các khối lớp chưa đồng tình với chủ trương gắn máy lạnh thì được biết, ở nhiều lớp trong trường đã gắn máy lạnh lại không được sử dụng vì tình trạng quá tải. Như vậy, nếu có thêm nhiều lớp tiếp tục gắn máy lạnh thì chẳng lẽ chỉ để… ngắm? Qua thăm dò học sinh, nhiều em học lớp buổi chiều cho biết chỉ cần lớp học thoáng, có quạt là được rồi.
Thiết nghĩ, chủ trương xã hội hóa góp phần hiện đại hóa trường lớp là cần thiết nhưng phải phù hợp nhu cầu và được số đông đồng ý. Trong tình hình kinh tế khó khăn, phụ huynh phải lo cho con cái đủ khoản chi phí để được đi học, nhà trường lại càng phải xem xét, cân nhắc việc gì cần thì hãy vận động. Đừng để ban đại diện hội cha mẹ học sinh tự cho mình quyền hạn quyết định “ai không đồng tình” đóng góp tiền thì chuyển con qua lớp khác như nêu trên.
AN NHƯ