Cơ cấu kinh tế ngoại thành có sự chuyển dịch rõ nét

C.K.
Cơ cấu kinh tế ngoại thành có sự chuyển dịch rõ nét
Sau 2 ngày (13 và 14-7) làm việc với các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè để khảo sát tình hình nông nghiệp và nông thôn ngoại thành (giai đoạn 2001-2005), đồng chí Huỳnh Thành Lập, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM nhận định, cơ cấu kinh tế ngoại thành có sự chuyển dịch rõ nét, nhất là từ trồng trọt sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; xuất hiện khá nhiều mô hình kinh tế phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, như lan cắt cành, tôm sú, cá sấu...
Cơ cấu kinh tế ngoại thành có sự chuyển dịch rõ nét ảnh 1

HTX nông nghiệp Xuân Lộc, quận 12, đã chuyển đổi sang nuôi cá sấu, dạy nghề chế biến nhiều sản phẩm từ da cá sấu.

Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện rất nhiều: tỷ lệ hộ có điện (gắn đồng hồ riêng) gần 100%, số hộ sử dụng nước sạch cũng cao, y tế, giáo dục đều tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay nông thôn ngoại thành đang gặp không ít khó khăn, nổi bật là vấn đề quy hoạch đất nông nghiệp chưa rõ ràng, tiến độ quy hoạch chi tiết còn quá chậm, làm cho việc thực hiện các dự án, nhất là các dự án về khu dân cư, sản xuất bị đình trệ... Như trong số 103 dự án ở Nhà Bè chỉ có 18 dự án được giao đất để thi công; tỷ lệ đất được quy hoạch chi tiết ở Bình Chánh chỉ đạt 7% diện tích tự nhiên, 2.700/70.000 hộ được cấp giấy quyền sử dụng nhà ở, đất ở... Nguy cơ về ô nhiễm môi trường do việc hình thành ngày càng nhiều các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng việc xử lý chất thải, nhất là nước thải chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất người dân tại chỗ. Đoàn đại biểu Quốc hội TP cho rằng, cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề trên, tháo gỡ vướng mắc để ngoại thành chuyển đổi nhanh, bền vững, giảm chênh lệch giữa nội và ngoại thành...

C.K.
 

Tin cùng chuyên mục