Phản hồi những ý kiến e ngại việc có đến 17/20 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam triển khai bằng hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT), trong khi dư luận đang lo ngại một số cơ chế đặc thù được đề xuất cho các dự án này có khả năng làm gia tăng nợ xấu trong nền kinh tế, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Đối tác công – tư (Bộ Giao thông - Vận tải) đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí.
- PV: Thưa ông, bên hành lang kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều vị ĐBQH đã cho biết họ rất băn khoăn, vì việc kiểm toán và giám sát các dự án BOT vừa qua đã cho thấy một số hạn chế nhất định trong hình thức đầu tư này. Những vướng mắc đó vẫn chưa được giải quyết xong, bây giờ chúng ta lại dự kiến triển khai hàng loạt dự án BOT?
- Ông Nguyễn Danh Huy: Trước hết phải thừa nhận việc thực hiện BOT vừa qua có những tồn tại. Thể chế chính sách của chúng ta chưa đảm bảo tính thống nhất và vẫn có sự chồng chéo. Có những vấn đề 2, 3 luật cùng điều chỉnh, có những vấn đề lại chưa có luật nào điều chỉnh. Rồi những tồn tại trong thu phí lượt. Đấu thầu cũng là vấn đề - quy định của chúng ta hiện nay là dùng tổng mức đầu tư để đấu thầu. Nói chung không ai tính được chính xác tổng mức đầu tư ở bước nghiên cứu khả thi cả, nên phải có dự phòng. Dự án cao tốc Bắc – Nam đã khắc phục những vấn đề đó. Đã đưa ra một bộ cơ chế, trong đó có 4 vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội và 12 vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành.
- Ông có thể nói rõ hơn về những cơ chế được đề xuất?
- Ví dụ về giá thành đấu thầu, thiết kế kỹ thuật xong mới đưa ra đấu thầu, để kiểm soát chặt hơn. Thứ hai là không có chỉ định thầu và đấu thầu 100%. Thứ ba là giá phải được xác định ngay từ đầu là để tính toán được thời gian thu phí, phải định được giá đấu thầu thì mới đấu thầu được. Nhưng chỗ này thì vướng Luật Giá, thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Về vốn chủ sở hữu, chúng tôi kiến nghị huy động theo tiến độ chứ không “chồng” cả một lúc như trước đây. Với bất cập về thu phí, lần này chúng tôi không làm đường cũ nữa, chỉ làm đường mới, thu phí kín (đi bao nhiêu trả bấy nhiêu) chứ không thu theo lượt, các trạm thu phí đều có camera để giám sát trực tuyến, không có chuyện thất thoát và không có bất cập về thu phí nữa.
Thủ tướng đã yêu cầu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là Trưởng Ban chỉ đạo dự án, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng; Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ. Tức là trách nhiệm đã rõ ràng, cơ chế đã chỉnh sửa.
- Trong tờ trình, Bộ GTVT đề xuất “giá trúng thầu là giá quyết toán của dự án”; nhưng trong trường hợp dự án chỉ có 1 nhà thầu tham gia, rút cục áp dụng chỉ định thầu mà dự toán không đúng thì sao, thưa ông?
- Người phê duyệt giá đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thông lệ quốc tế là giá trúng thầu là giá phải thanh toán với nhà thầu, còn sai hay không là trách nhiệm của nhà nước. Chúng ta có thể hạn chế sai sót thông qua cơ chế giám định, thẩm định của các cơ quan tham gia. Chính vì thế, trong cơ chế, chúng tôi có đề xuất khôi phục lại cơ chế tổ công tác liên ngành (gồm 5 bộ, ngành), để giám sát lẫn nhau. Chúng tôi cũng kiên quyết bảo vệ việc thẩm định lại giấy chứng nhận đầu tư trước khi ký hợp đồng chính thức, cũng là 5 bộ, ngành tham gia, dù quá trình duyệt, đàm phán... đã có tổ công tác liên ngành rồi.
- Một điều khiến nhiều người thắc mắc, là việc phân chia thành 17 dự án BOT không đảm bảo khoảng cách 70km/trạm thu phí?
- Ở dây có sự nhầm lẫn. Nguyên tắc 70 km áp dụng cho thu phí lượt, còn đây là thu phí kín, phí tính trên quãng đường thực tế mà phương tiện đã đi. Nhưng kinh nghiệm thế giới cũng không phải cứng nhắc 70km đâu mà căn cứ vào lợi ích mang lại cho người dân là bao nhiêu so với chi phí bỏ ra. Hoàn toàn có thể tính toán được việc đó. Trên Quốc lộ 14 chúng tôi đã làm, đã lượng hóa được chi phí này.
- Còn về mức phí, thưa ông?
- Trong bước nghiên cứu khả thi, chúng tôi cũng sẽ làm rõ lợi ích mang lại so với chi phí người dân phải trả. Còn tiền khả thi là để quyết định chủ trương đầu tư thì bước này không đủ dữ liệu để đánh giá. Nhưng sơ bộ về sức chi trả thì chúng tôi có so sánh với các nước có thu nhập tương đương trong khu vực, mức giá 1.500 đồng/km là hợp lý. Tuy nhiên, để khẳng định được điều này thì phải là bước nghiên cứu khả thi.
- Một cơ chế Bộ đưa ra cũng rất được quan tâm là cho phép Bộ GTVT đàm phán lại hợp đồng với các nhà đầu tư BOT trên Quốc lộ 1 hiện nay, bởi vì lo lắng chuyện “san” bớt lưu lượng sang tuyến mới?
- Hiện Chính phủ đã cân nhắc, trong ưu tiên 1 (từ nay đến 2020) chỉ đầu tư hơn 700 km thì có hơn 600 km đã có trong quy hoạch, đã tính toán câu chuyện san lưu lượng rồi. Chuyện đó đã được giải quyết, không cần áp dụng cơ chế này nữa. Chúng tôi đã không đưa vào tờ trình.
- Đề xuất NHNN nới “room” cho BOT đối với vay trong nước và bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ với vay nước ngoài có tạo ra rủi ro nợ xấu cho các tổ chức tín dụng không?
- Chúng tôi cũng đánh giá tất cả các tác động này. Cơ sở ở đây chính là thị trường “nói” như thế. Nếu đi vay quốc tế, chắc chắn phải có bảo lãnh đó. Có 3 dự án chúng ta đã từng tổ chức đấu thầu quốc tế, không có bảo lãnh nhà đầu tư đã bỏ cuộc, đó là Pháp Vân – Cầu Giẽ, Dầu Giây – Phan Thiết, Tân Vạn – Nhơn Trạch. Chính phủ đã có 3 cuộc họp cân nhắc chuyện này. Vấn đề ở đây là khi bảo lãnh đồng nghĩa với việc phát sinh nghĩa vụ trả nợ dự phòng và đồng nghĩa với việc tăng nợ công, nên Chính phủ quyết định không trình Quốc hội đề xuất này nữa.
Bên cạnh đó, trong 63.000 tỷ đồng dự kiến huy động từ nay đến 2020 cho ưu tiên 1, nếu với 20% vốn chủ sở hữu, tức là khoảng hơn 12.000 tỷ đồng, chỉ còn hơn 50.000 tỷ đồng phải huy động từ thị trường vốn trong nước, thì Ngân hàng Nhà nước đã trả lời là room của các tổ chức tín dụng và thị trường vốn tín dụng dài hạn trong nước vẫn đảm bảo, không phải nới room.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cần thiết phải quy định vốn chủ sở hữu tăng lên; cũng như Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra một số cơ chế và các dự án phải đấu thầu... để đảm bảo khả năng chi trả.
- Tại sao hồ sơ lại được trình gấp gáp như thế, khi kỳ họp đã diễn ra rồi, khiến cho ĐB không có thời gian nghiên cứu để yên tâm “bấm nút”?
- Đúng là theo Luật Đầu tư công thì dự án phải trình ra Quốc hội trước 60 ngày kể từ ngày bắt đầu kỳ họp. Thực tế thì dự án này đã được Quốc hội xem xét từ Kỳ họp thứ 2 năm 2016. Khi trình kế hoạch đầu tư công trung hạn để các ĐBQH biểu quyết, thì 20 dự án thành phần này với vốn góp của Nhà nước là 70.000 tỷ đồng đã trình rồi. Nhưng khi thảo luận, Quốc hội yêu cầu phải lập dự án công trình quan trọng quốc gia của 20 dự án này, nên chúng tôi chỉ có 5 tháng để chuẩn bị.
- Xin cảm ơn ông.