Cô đỡ ở bản xa

Ngày 20-6, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định phối hợp tổ chức chương trình giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và trao tiền hỗ trợ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo SGGP, khen thưởng những “Cô đỡ thôn bản” - cánh tay nối dài của ngành y tế “phủ sóng” ở những bản làng xa xôi trong tỉnh Bình Định.

Tại chương trình, bác sĩ (BS) Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: “Ý tưởng về hệ thống Cô đỡ thôn bản (CĐTB) đã có từ 20 năm trước. Lúc ấy, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) mong muốn làm sao đưa được y tế đến tận vùng sâu, vùng xa với nhóm đối tượng liên quan đến sản phụ khoa, phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, trẻ sơ sinh. Ý tưởng này sau đó đã được vun đắp thực hiện, tạo ra hệ thống CĐTB”. 

Theo BS Mỹ Nhi, hiện hệ thống CĐTB đã được Bộ Y tế Việt Nam thừa nhận và đưa vào các điều khoản, điều luật, hoạt động chăm sóc sức khỏe của ngành y tế. Chặng đường khá dài từ năm 2008, hiện diện ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định, các CĐTB hoạt động bằng cả tâm huyết của mình, không vụ lợi, không được trả lương, chỉ nhận phụ cấp rất ít ỏi, nhưng vẫn âm thầm hoạt động vì tình yêu thương dành cho cộng đồng. 

Cô đỡ ở bản xa ảnh 1 Trao tiền hỗ trợ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo SGGP cho các cô đỡ thôn bản
BS Mỹ Nhi mong muốn, các địa phương cần thiết lập hệ thống CĐTB hoàn thiện hơn để có những “cánh tay nối dài” lên vùng sâu, vùng xa. Hiện các địa phương đã có đủ khả năng để mở lớp, chuyển giao kiến thức, trang bị y tế đến họ.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định, cho hay, từ năm 2008, Bệnh viện Từ Dũ đã đào tạo khóa đầu tiên (6 tháng) cho 47 CĐTB người dân tộc thiểu số tại các huyện Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão (tỉnh Bình Định). Sau khi đào tạo, các CĐTB trở về, được phân công nhiệm vụ, tuyên truyền vận động, tư vấn, giáo dục sức khỏe, cấp cứu kịp thời cho các bà mẹ dân tộc thiểu số; chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ tại nhà, đỡ đẻ rơi, chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc sau sinh cho bà mẹ dân tộc thiểu số…

Các CĐTB tại Bình Định được cộng đồng đánh giá rất cao do gần gũi, đáp ứng yêu cầu văn hóa của đồng bào và tác động lớn đối với cộng đồng… Trong 6 tháng đầu năm 2019, các CĐTB tại Bình Định đã khám thai, tư vấn về chăm sóc thai cho 125 phụ nữ mang thai; chuyển lên tuyến trên 53 phụ nữ sắp sinh; phát hiện 18 phụ nữ thai nghén nguy cơ cao; chăm sóc, tư vấn cho hàng trăm bà mẹ chăm sóc cho trẻ sơ sinh và bà mẹ sau sinh…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Truyền, hiện kinh phí của địa phương hỗ trợ các CĐTB còn rất hạn chế, chỉ 417.000 đồng/tháng và không thường xuyên; chưa được hỗ trợ đủ về công cụ, phương tiện, trang thiết bị; chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng trong việc duy trì, phát triển mạng lưới CĐTB.

Thông qua chương trình, Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng của Báo SGGP đã hỗ trợ các CĐTB tại tỉnh Bình Định số tiền 50 triệu đồng. Ngoài ra, Bệnh viện Từ Dũ (đơn vị tổ chức chương trình) còn tài trợ 38 CĐTB tại Bình Định đầy đủ các thiết bị hỗ trợ y tế; bổ trợ kiến thức, thăm khám sức khỏe cho các CĐTB…

BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi gửi lời cảm ơn chân thành đến Báo SGGP, đơn vị đã luôn đồng hành với những hoạt động có liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật tuyến và giám sát đội ngũ CĐTB. “Tôi trân trọng cảm ơn Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng và mong muốn sẽ tiếp tục có những quỹ lớn hơn để đồng hành với hệ thống CĐTB trong tương lai…”, BS Mỹ Nhi bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục