Cô giáo thương binh làm theo lời Bác

Cô Huỳnh Thị Kiển (ảnh) - thương binh hạng 2/4, biết vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống để giữ đúng lời hứa với Bác: “Cháu sẽ đi học sư phạm và ra trường sẽ dạy thật tốt ạ!”. Và cô đã thực hiện đúng lời hứa ấy suốt cuộc đời dạy học của mình. Cô là giáo viên dạy Văn THPT “giỏi việc trường, đảm việc nhà” của ngành giáo dục Cần Thơ, đã vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ…
Cô giáo thương binh làm theo lời Bác

Cô Huỳnh Thị Kiển (ảnh) - thương binh hạng 2/4, biết vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống để giữ đúng lời hứa với Bác: “Cháu sẽ đi học sư phạm và ra trường sẽ dạy thật tốt ạ!”. Và cô đã thực hiện đúng lời hứa ấy suốt cuộc đời dạy học của mình. Cô là giáo viên dạy Văn THPT “giỏi việc trường, đảm việc nhà” của ngành giáo dục Cần Thơ, đã vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ…

“Hai mươi bốn năm làm nghề dạy học, biết bao nỗi gian truân, tôi vẫn say mê và chung thủy với nghề. Tôi mãn nguyện đã làm tròn lời hứa thiêng liêng với Bác Hồ - Người đã dạy tôi yêu ngành, yêu nghề. Tôi lấy đó làm lẽ sống của cuộc đời mình”. Đó là lời cô giáo thương binh bị cụt chân phải Huỳnh Thị Kiển tâm sự với chúng tôi. Khuôn mặt phúc hậu, nụ cười thật hiền với giọng nói nhẹ nhàng nhưng tôi nhận ra trước mắt mình là một người phụ nữ tuyệt vời, đáng khâm phục, kính nể. 

Những ngày khói lửa

Ngậm ngùi một lát, cô Huỳnh Thị Kiển kể: Quê tôi ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là vùng đất nhuốm đầy khói lửa chiến tranh nhưng rất kiên cường, dũng cảm... Năm 12 tuổi, cái tuổi mà những đứa trẻ khác chỉ biết vui chơi, ăn học, được sống trong sự nuông chiều của cha mẹ, còn riêng tôi thì Ngày xưa đất nước phân kỳ/ Em theo tiếng gọi quên thì gấm hoa (Ngô Kha). Thế là tôi nối gót theo cha chú đi hoạt động cách mạng. Bàn chân non trẻ của tôi được các chú, các anh dìu dắt. Năm 1960, tôi vui mừng khôn xiết khi được cấp trên cho vào đội du kích xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn làm liên lạc. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng căm thù giặc Mỹ bắn phá quê hương, tôi tham gia nhiều trận đánh, diệt nhiều giặc Mỹ. Niềm sung sướng xen lẫn chút tự hào đã đến với tôi khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trao tặng cho tôi danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú”.

Thuở ấy, bà con quê hương tôi cực lắm. Niềm ước mong của tôi là miền Nam được giải phóng sớm cho dân bớt khổ. Trên đường giao liên, vào cuối năm 1967, tôi bị địch bắt. Để moi những lời khai, chúng đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn hết sức dã man. Bọn ác ôn đã dùng cưa cắt chân phải của tôi hai lần. Cắn răng chịu đựng trước lưỡi cưa xé thịt, chân của tôi đã bị chúng cắt lìa khỏi thân thể. Cuối năm 1968 đầu năm 1969, hơn 3 tháng bị giam trong lao tù, đồng đội đã cứu tôi thoát nhà tù Hội An, đưa về chiến khu Quảng Nam, rồi chuyển ra miền Bắc để chữa trị. Nằm ở Bệnh viện Việt-Xô hơn 6 tháng, tôi được chuyển về Bệnh viện E (dành cho cán bộ miền Nam), rồi sau đó được đưa ra nước ngoài để làm chân giả. Mỗi lần vết thương đau hay gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi lại nghĩ tới những lần vinh dự được gặp Bác Hồ, tôi lại có thêm sức mạnh, có niềm động viên an ủi.

Cô Huỳnh Thị Kiển

Những lần được gặp Bác Hồ

Lần thứ nhất cô được gặp Bác Hồ là vào năm 1968 tại Phủ Chủ tịch cùng với đoàn đại biểu anh hùng và dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc. Bữa ấy, cô được Bác tặng cho một gói kẹo, một bộ áo quần và hai cuốn sách viết về người tốt, việc tốt. Với hai cuốn sách này, một cuốn cô tặng lại cho các đồng chí cùng đơn vị, còn cuốn Hậu phương thi đua với tiền phương cô xem đó là kỷ vật vô giá luôn cất giữ bên mình. Song theo yêu cầu của Bảo tàng thành phố Cần Thơ, cô đã tặng lại để làm hiện vật trưng bày. Ngày 27-4-1968, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Lần thứ hai cô vinh dự được gặp Bác Hồ là đúng vào ngày thành lập Đảng 3-2-1969. Lúc đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt-Xô thì có người gọi cô chuẩn bị để đi gặp Bác Hồ. Cô sung sướng đến phát khóc. Giờ nhớ lại cũng đã mấy chục năm rồi mà cô cứ ngỡ như mới ngày hôm qua. Đây là ngày đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời cô. Bác gọi cô đến bên, xoa đầu và hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm đồng bào, đồng chí trong quê. Nước mắt cô trào ra, lưỡi cô líu lại không nói được gì. Cô Huỳnh Thị Kiển kể: Lúc đó, chú Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác và các chú bảo vệ phải dìu tôi ngồi vào ghế.

- Sao gặp Bác cháu lại khóc? Cố nuốt nước mắt, tôi trả lời:

- Thưa Bác, cháu có ngờ đâu lại được gặp Bác như thế này.

Sau đó, Bác cho tôi ăn cơm chung. Trong bữa cơm, Bác luôn gắp thức ăn cho tôi và an ủi:

 - Cháu ăn cho khỏe để sớm lành bệnh.

Bác nhìn chiếc chân giả của tôi và hỏi:

- Chiếc chân này chưa tốt, nên làm quần cháu dễ bị rách phải không?

Rồi Bác quay sang hỏi chú Vũ Kỳ:

- Sắp tới, chú định cho cháu đi sửa chân ở đâu?

Chú Vũ Kỳ trả lời:

- Thưa Bác, sẽ đưa sang nước bạn Hungary để chữa trị ạ. Bác tỏ ý hài lòng và hỏi tôi:

- Sau này cháu sẽ làm gì?

Tôi trả lời:

- Thưa Bác, cháu sẽ đi học sư phạm và sẽ ra dạy học ạ…

Tôi ra về mà không ngờ đó lại là lần cuối cùng tôi được gặp Bác.

Giữa năm 1969, Hội đồng hòa bình thế giới sau khi được đọc bài báo của một phóng viên nước ngoài viết về cô, họ đã mời cô sang Hungary để chữa vết thương cho hoàn chỉnh và đi nói chuyện cho thanh niên học sinh một số nơi nghe về những tấm gương hy sinh oanh liệt, chiến đấu kiên cường của đồng bào miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Tại đây, cô được một gia đình người Hungary nhận làm con nuôi. Đó là nhà báo Mate Grorgy (tác giả cuốn Đường mòn Hồ Chí Minh) đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị. Những năm sau đó, nhà báo này vẫn để dành tiền nhuận bút của mình mời cô sang an dưỡng và chữa trị vết thương, chỉnh hình cho thật hoàn hảo. Ông đã mất năm 1990, thọ trên 80 tuổi.

Sau khi trình bày tâm tư, nguyện vọng với Bác Hồ là sẽ học sư phạm để trở thành cô giáo, cô rất lo, vì mình đã là thương binh hạng 2/4, trình độ văn hóa mới học hết lớp 5. Điều canh cánh trong lòng cô là làm thế nào để thực hiện lời hứa thiêng liêng đó. Sau khi lành vết thương, cô lao vào học ở Trường Bổ túc công nông Giáp Bát, Hà Nội để có trình độ 10/10. Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1971, cô lập gia đình, chồng cô là bộ đội đặc công, anh cũng là thương binh hạng 3/4. Năm 1972, đứa con gái đầu lòng Nguyễn Ngọc Thúy của vợ chồng cô chào đời. Vừa nuôi con vừa đi học bổ túc, biết bao khó khăn đối với vợ chồng cô bởi cả hai đều là thương binh. Thế rồi theo câu ca dao muôn đời đưa đẩy: Lấy chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo.

Trở về Cần Thơ và thực hiện ước mơ

Năm 1976 trở về miền Nam, cô thi ngay vào khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ, học khóa chuyển tiếp đầu tiên sau ngày giải phóng. Thật hạnh phúc vô cùng, năm ấy cô đã đậu với điểm khá cao. Bốn năm học đại học cũng không kém phần khó khăn, gian khổ, thế nhưng cô đã làm đủ mọi việc với khả năng của mình để lo cho cuộc sống gia đình và học đại học. Vừa nuôi con vừa chống nạng đi học, gian lao vất vả nhưng vẫn không làm sờn lòng, lúc nào cô cũng nhớ đến ánh mắt và nụ cười bao dung của Bác luôn động viên mình. Cô nhớ lại mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài Sáng tháng năm: Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi/ Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ/ Trên đường dài hai cánh đỡ ta đi/ Bác Hồ đó là lòng ta yên tĩnh. Thế là cô lại có thêm sức mạnh. Cuối cùng, sự cố gắng của cô cũng được đền đáp. Năm 1979, cô có hai niềm vui lớn là tốt nghiệp đại học và sinh đứa con thứ hai - Nguyễn Trường Sơn, một đứa con trai rất kháu khỉnh. Sau đó, cô được Sở Giáo dục - Đào tạo phân công về dạy Văn tại Trường THCS An Hòa 2, TP Cần Thơ. Thật vô cùng hạnh phúc và sung sướng, vì cô đã làm tròn lời hứa với Bác Hồ: làm nghề dạy học.

Hai mươi bốn năm đứng trên bục giảng, cô luôn nguyện làm một chiến sĩ thầm lặng với sự nghiệp trồng người. Cô lấy lời Bác dạy trong lá thư cuối cùng Người gửi cho ngành giáo dục năm học 1968-1969 để làm kim chỉ nam, phấn đấu: Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Học trò đã dành cho cô những tình cảm chân thành, ấm áp, yêu thương, làm cô càng yêu đời hơn, dạy giỏi hơn. Cô cảm thấy thật vui sau mỗi giờ lên lớp. Dù đôi chân tật nguyền của cô đã gây khó khăn không ít trong việc đi lại, lên xuống bục giảng và khi trái gió trở trời vết thương cứ hành hạ, nhức buốt không thể ngủ yên, nhưng cô vẫn chịu đựng, vượt qua, không bỏ một buổi dạy nào. Được đồng nghiệp tin yêu, quý mến, học sinh kính trọng là nguồn sức mạnh khích lệ và động viên cô rất nhiều. Và 5 năm liền, cô đã đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh, cô giáo Giỏi việc trường, đảm việc nhà của ngành giáo  dục - đào tạo TP Cần Thơ.

Với đồng lương dạy học và tiền phụ cấp thương binh ít ỏi, cô và chồng vẫn cố gắng nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn. Không quản khó nhọc, vợ chồng cô vẫn làm kinh tế phụ để cải thiện cuộc sống. Cô vay tiền ngân hàng nhà nước nuôi heo. Từ nuôi một con heo nái, tiến đến 5 con heo nái. Có khi trong chuồng có tới 30 - 40 con heo con. Bầy heo chóng lớn là nguồn khích lệ, là niềm vui của cô. Những đêm khuya lúc mọi người yên giấc, đó là thời gian rảnh rỗi cho cô chăm sóc heo. Khi heo biếng ăn, bệnh tật là nỗi buồn, nỗi lo lớn trong lòng làm cô nhiều đêm không ngủ.

Rồi nỗi vất vả, gian truân của vợ chồng cô cũng được đền đáp. Hai con cô hiếu thảo, học giỏi và đã thành đạt. Con gái tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược và hiện là Phó trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược TP Cần Thơ. Con trai tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương, đang là cán bộ Ngân hàng Ngoại thương, chi nhánh TP Cần Thơ. Qua quá trình phấn đấu, cô được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại như: Huân chương Giải phóng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục…

Năm nay, cô đã bước sang tuổi 66, và đã được trao Huy hiệu 45 tuổi Đảng cách đây 3 năm, hiện đang sống trong một căn nhà khang trang do hai con xây dựng ở phường An Hòa, TP Cần Thơ cùng cháu con rất hạnh phúc. Cô nói trong niềm vui, pha chút bùi ngùi: “Trong suốt cuộc đời, tôi không sao quên được hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Mỗi lần nghĩ đến lời hứa: “Thưa Bác, cháu sẽ đi học sư phạm và sẽ ra dạy học ạ”, tự dưng trong lòng tôi lại sáng bừng lên, kỷ niệm xưa ùa về với niềm vui lâng lâng khó tả. Trái tim tôi cứ rung lên sung sướng như muốn thoát khỏi lồng ngực!”. Có thể nói, cô Huỳnh Thị Kiển là một gương điển hình vượt khó vươn lên rất đáng để lớp trẻ noi theo. Vừa qua, trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cô được bình bầu danh hiệu Đảng viên xuất sắc của chi bộ cơ sở phường An Hòa, TP Cần Thơ.

LÊ XUÂN

Tin cùng chuyên mục