
Đầu tháng 11-2006, sự kiện Việt Nam gia nhập WTO tạo được sự chú ý của nhiều doanh nghiệp trong cả nước trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa phẩm. Nhưng thực ra, đối với họ, sự kiện này không mới vì những gì cần làm đã được thực hiện từ cách nay hơn 2 năm.
- Thuận lợi với TRIPs

Thị trường sách luôn sôi động và mang lại lợi nhuận cao. Ảnh: Khách đến chọn mua sách tại Nhà sách Nguyễn Văn Cừ.
Ảnh: TÂN TƯỜNG
Trong hầu hết các điều khoản cam kết, thương lượng khi gia nhập WTO có lẽ các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được xem là nhẹ nhàng nhất. Đơn giản là vì Hiệp định TRIPs (Hiệp định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của WTO) thực tế không khác mấy, thậm chí còn chung chung hơn so với Công ước Berne mà Việt Nam đã chính thức gia nhập và áp dụng từ hơn 2 năm nay (10-2004).
Thậm chí, thời gian đàm phán, thương lượng về quyền sở hữu trí tuệ lại trùng với thời gian Việt Nam xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ và kết quả là Luật Sở hữu trí tuệ khi ra đời đã mặc nhiên đáp ứng gần như hoàn toàn các yêu cầu của TRIPs. Những điều khoản còn vướng víu cuối cùng giữa Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Hiệp định TRIPs cũng đã được giải quyết vào những giây phút cuối của cuộc thương lượng.
Như vậy, xét về mặt luật, các doanh nghiệp trong nước đã có một lợi thế rất lớn khi Việt Nam gia nhập WTO vì bản thân luật trong nước và luật quốc tế gần như tương đồng, chỉ khác nhau ở một số điểm như mở rộng thời hạn, lĩnh vực bảo hộ. Về kinh nghiệm trong việc thương lượng mua bán bản quyền tác phẩm, bảo vệ sở hữu trí tuệ…, các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa phẩm cũng không còn xa lạ với luật quốc tế khi mà họ đã có đến 2 năm kinh nhiệm chung sống cùng Công ước Berne, tất cả những yếu tố trên được xem như là một lợi thế đối với ngành kinh doanh văn hóa phẩm khi Việt Nam trở thành thành viên WTO để mở rộng, phát triển sản phẩm cũng như thị trường. Tuy nhiên, những thuận lợi đó cũng không che giấu được khó khăn đang chờ đợi.
- Bài học từ Công ước Berne
Hai năm nhìn lại, Công ước Berne đã thực sự đem lại một làn sóng mới cho thị trường văn hóa phẩm trong nước. Nếu như trước đây, thị trường này phát triển xô bồ, manh mún theo kiểu cứ hễ đơn vị nào có đầu sách, nhất là sách dịch, mà ăn khách là nơi khác thản nhiên sao chép lại với lý do “đều là hàng ăn cắp cả”.
Điều này đã dẫn đến tình trạng đơn vị nào tìm được tựa sách hay đều cố làm nhanh, bán vội để thu hồi vốn, kiếm lợi nhuận càng nhanh càng tốt rồi bỏ. Nhưng với sự xuất hiện của Berne, các doanh nghiệp làm sách đã tìm được một chỗ dựa để có thể an tâm mua và bán các tác phẩm của mình.
Chính yếu tố được bảo vệ về mặt tác quyền đã giúp cho các đơn vị này tập trung nâng cao chất lượng dịch, in ấn để sản phẩm được hoàn hảo khi đến tay người đọc. Tuy thỉnh thoảng vẫn còn sót lại những dấu ấn của một thời làm ăn chụp giựt như sự kiện “thảm họa dịch thuật” Mật mã Da Vinci của NXB VHTT nhưng những sự kiện như vậy đang ngày càng ít đi và đến nay hầu như đã biến mất khỏi các tác phẩm được mua bản quyền.
Cũng chính nhờ Berne, thị trường kinh doanh văn hóa phẩm đã dần có sự phân chia theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hóa, đã xuất hiện những đơn vị chuyên về những mảng sách khác nhau như Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam với đề tài sách văn học dịch, Phương Nam với băng đĩa thiếu nhi, sách dịch Trung Quốc rồi Trí Việt (FristNews) với các loại sách dạy tiếng Anh, chăm sóc sức khỏe hay một NXB Trẻ xông xáo trong mảng văn học thiếu nhi, sách phổ biến kiến thức dành cho thanh niên...
Sự có mặt của những doanh nghiệp này đã làm cho thị trường sách sôi động hẳn lên. Như với Nhã Nam, chỉ 3 ngày sau khi giải thưởng sách nổi tiếng Man Booker 2006 xác định được chủ nhân thì công ty đã mua xong bản quyền cuốn sách đó; vỏn vẹn nửa tháng sau khi Nobel Văn chương 2006 được trao cho nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, ba tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông đã nằm trên bàn dịch giả Việt Nam. Hai năm sau Berne, bạn đọc trong nước đã có thể thưởng thức những tác phẩm mới nhất của nền văn học thế giới với thời gian chờ đợi chỉ còn được tính bằng ngày.

Sách lậu tại một nhà sách trên đường NTMK, với TRIPs hình phạt cho việc này sẽ giống như luật quốc tế.
Ảnh: T.V.
Thế nhưng, sự thay đổi do Berne mang lại vẫn không thể xóa nhòa được lối làm ăn manh mún của một thời. Ngay sau cái hăm hở trước những cơ hội do Berne mang lại, các đơn vị kinh doanh văn hóa phẩm chân chính bắt đầu lần lượt kêu cứu khi những tài sản họ phải mất sức, mất tiền mua về đã bị người khác ăn cắp lại một cách trắng trợn.
Mở đầu là NXB Trẻ khi những tựa sách ăn khách nhất của họ bị sao chép lại và bán công khai tại các nhà sách trên địa bàn Hà Nội, đơn vị này đã phản ứng rất quyết liệt như tổ chức họp báo, cử người theo dõi, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, dán tem chống hàng giả… nhưng tất cả các biện pháp đó hầu như không có hiệu quả.
Một số đơn vị trong cùng ngành vẫn thản nhiên phát hành những tác phẩm mà NXB Trẻ đã mua bản quyền; khi được hỏi, câu trả lời quen thuộc nhất của họ là “không biết”, đến nỗi NXB Trẻ phải liên tục cập nhật thông tin về những tác phẩm đã mua bản quyền trên trang web...
Tiếp sau NXB Trẻ, lần lượt tất cả những đơn vị kinh doanh văn hóa phẩm đang mạnh mẽ phát triển dựa vào Berne đều lần lượt kêu cứu về tình trạng ăn cắp bản quyền. Một Trí Việt (Frist News) tổ chức họp báo từ Bắc vào Nam, công bố cả tên tuổi và số điện thoại người in sách lậu, rồi đến Nhã Nam gửi thông cáo đi cả nước khi những tựa sách mới nhất, ăn khách nhất của mình xuất hiện hàng nhái tràn lan khắp nơi.
Không chỉ sách của tác giả nước ngoài bị in lậu mà cả sách trong nước cũng chung số phận. Đỉnh điểm là vụ Công ty Văn hóa Phương Nam khởi kiện NXB Thể dục Thể Thao vì đã cho in cuốn “Độc Cô Cửu Kiếm” với tên tác giả là Kim Dung. Nếu bị xác nhận là vi phạm bản quyền thì đây sẽ là trường hợp vi phạm bản quyền chồng lên nhau bởi tác giả Kim Dung đã từng khẳng định không hề sáng tác một tác phẩm nào có tựa như vậy và tất cả các sáng tác của Kim Dung phát hành tại Việt Nam đều do Phương Nam giữ bản quyền.
Thật ra, trước đây chuyện nhái Kim Dung không có gì là lạ nhưng đây là lần đầu tiên một NXB của nhà nước đứng trước nguy cơ bị phạt do xuất bản một tác phẩm vừa mạo nhận tác giả vừa vi phạm bản quyền.
- Cơ hội và thử thách
Berne đã trao cho các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa phẩm trong cả nước một cơ hội mới để phát triển. Khi gia nhập WTO, cơ hội này càng được nhấn mạnh hơn với Hiệp định TRIPs. Thậm chí, doanh nghiệp kinh doanh văn hóa phẩm hiện còn có nhiều lợi thế hơn khi tiếp nhận TRIPs tại Việt Nam so với Berne cách nay hai năm.
Thế nhưng, khác với Berne, TRIPs có sự ràng buộc cao hơn về mặt luật pháp. Một trong những điều khoản thương lượng cuối cùng trước khi gia nhập WTO chính là việc áp dụng biện pháp hành chính và hình sự để xử lý xâm phạm quyền sử hữu trí tuệ. Nghĩa là, nếu Berne chỉ quy định thế nào là vi phạm bản quyền thì TRIPs còn quy định luôn biện pháp trừng phạt theo một luật chung giữa tất cả các nước tham gia WTO.
Đây được xem như là một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền vì một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do chưa đưa ra được một khung hình phạt đủ mạnh. Ở Mỹ, mức bồi thường được luật pháp quy định đối với việc vi phạm bản quyền một tác phẩm là 150.000 USD, nghĩa là sao chép một đĩa nhạc 10 bài sẽ phải nộp phạt 1,5 triệu USD. Và nếu gia nhập WTO chúng ta sẽ phải chấp nhận áp dụng mức hình phạt giống như vậy.
Berne đã làm tốt việc đưa giá trị của bản quyền vào Việt Nam, TRIPs hứa hẹn sẽ đem đến sự tôn trọng bản quyền bằng luật pháp trong nước và quốc tế. Một giai đoạn mới lại mở ra cho các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa phẩm trong nước, sẽ là cơ hội để phát triển hay là thách thức sự tồn tại, điều này chính các đơn vị kinh doanh phải lựa chọn đường đi cho mình.
LÊ DIỆU TƯỜNG VY