Cơ hội nối lại vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu đã xuất hiện khi các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 33 Nhóm các nước xuất khẩu nông nghiệp (CGMM) tại Indonesia cùng nhất trí thúc đẩy nỗ lực nhằm khôi phục tiến trình này, đồng thời cam kết hướng tới một thỏa thuận khung nhằm bãi bỏ các chế độ trợ giá xuất - nhập khẩu.
CGMM cùng với các đối tác Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí phối hợp “nhằm đưa vòng đàm phán Doha đạt kết quả trong thời gian sớm nhất”.
Thành công của vòng đàm phán Doha có ý nghĩa quan trọng giúp thúc đẩy phát triển ở các quốc gia đang phát triển, đồng thời góp phần ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, đang có xu hướng gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Vòng đàm phán Doha đã được khởi động tại Qatar từ năm 2001 với mục tiêu tháo dỡ các rào cản mậu dịch và chế độ bao cấp, trợ giá, nhất là trong ngành nông nghiệp, trước năm 2013. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận này đã đổ vỡ vào tháng 7-2008, sau khi Ấn Độ và Mỹ mâu thuẫn về việc các nước nghèo tăng biểu thuế nhập khẩu và bảo hộ các ngành công nghiệp dễ bị thua thiệt của mình.
Thỏa thuận Doha nếu đạt được sẽ đem lại 150 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới và được đánh giá là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
V.L. (Theo Jakarta Post)