Theo Ủy ban TCNS, dự kiến tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 2020 tăng 113,8 ngàn tỷ đồng (7%) so với dự toán năm 2019. Trong đó, năm 2020, khoản chi thường xuyên chiếm 60,5% tổng chi ngân sách nhà nước, giảm dần qua các năm.
Cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ, song cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, trong bối cảnh thực hiện các nghị quyết của Trung ương về cải cách bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cải cách chính sách tiền lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giảm chi thường xuyên bằng các giải pháp hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, quyết liệt việc tinh giản biên chế, tiến tới trình Quốc hội quyết định tổng mức biên chế của Nhà nước trong năm dự toán.
Thực tế giám sát một số địa phương cho thấy, việc tinh giản biên chế chưa quyết liệt, có những nơi còn mang tính cơ học nhằm thu gọn đầu mối, dẫn đến chi thường xuyên vẫn còn cao. Bên cạnh đó, một số địa phương khi ban hành chính sách còn chưa bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện trong năm, báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS nhấn mạnh.
Lưu ý đến việc một số chính sách do Trung ương ban hành, nhưng ngân sách địa phương thực hiện, không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, gây khó khăn cho các tỉnh, thành phố khi thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán đầu năm, Ủy ban TCNS đề nghị từ năm 2020, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật, theo đó ngân sách các cấp không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính và việc ban hành thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp.
Riêng về chi cải cách tiền lương, theo báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - ngân sách nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách Trung ương (dự kiến từ năm 2021 hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương) cho cải cách tiền lương.