Có số lượng cơ sở giáo dục lớn nhất nước, Hà Nội vẫn thiếu tới 314 trường ​

Chiều 6-7, tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiều nội dung về giáo dục và đào tạo đã được đặt ra cho các thành viên UBND TP Hà Nội. Kết thúc nội dung này, có 6 đại biểu đặt câu hỏi cho biết, họ chưa thỏa mãn với câu trả lời.

Một số vấn đề được đặt ra cho ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội là việc công khai chất lượng kiểm định giáo dục của các trường, kể cả công lập lẫn tư thục; việc liên kết, bổ trợ trong giảng dạy ngoại ngữ; áp lực thi cử đối với học sinh cấp 2, tình trạng thiếu trường lớp dù đã có quy hoạch (so với Nghị quyết 05/NQ-HĐND năm 2012 của HĐND TP về mạng lưới trường lớp, Hà Nội hiện vẫn đang thiếu tới 314 trường)... Đó là chưa kể chất lượng trường lớp chưa đảm bảo yêu cầu.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, trong 477 trường tư thục thì có tới 386 trường thuê và mượn nên cơ sở vật chất còn tạm bợ.

ĐB Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, một số trường tư thục đưa ra mức học phí cao mà chưa có kiểm định của cơ quan chức năng. Trường hợp trường vi phạm cam kết với phụ huynh học sinh khi nâng mức học phí lên cao cũng chưa thấy có sự can thiệp, điều chỉnh thỏa đáng…

Có số lượng cơ sở giáo dục lớn nhất nước, Hà Nội vẫn thiếu tới 314 trường ​ ảnh 1 Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng trả lời chất vấn 
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, công tác dạy và học tại các trường được cấp phép hoạt động đều đảm bảo theo quy định.

Về việc các trường tư thục thu học phí cao, ông Chử Xuân Dũng cho biết, đối với các trường tư thục, việc hạch toán đều do trường chủ động và công khai với phụ huynh học sinh và theo cam kết không tăng thêm trong suốt một năm học. Còn chất lượng dạy và học, thì chính phụ huynh học sinh là người có thể đánh giá tốt nhất…

Hà Nội hiện là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, với trên 2.641 trường và gần 2 triệu học sinh. Tổng kết 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô cho thấy, Hà Nội xây mới trung bình 1.000 phòng học/năm. Số học sinh của Hà Nội trong toàn hệ thống học trường công lập đạt 87,6%, cao nhất cả nước hiện nay.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, Giám đốc Sở GD-ĐT nắm chắc vấn đề nhưng chưa làm rõ trách nhiệm. Được biết, đây là lần đầu tiên ông Chử Xuân Dũng lần đầu "đăng đàn" trả lời chất vấn trực tiếp.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở GD-ĐT và chính quyền các cấp rà soát tất cả các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công trên địa bàn, bảo đảm hoạt động theo đúng quy định; rà soát về chất lượng giáo dục; kiên quyết xử lý những đơn vị không đủ điều kiện hoạt động; có lộ trình thực hiện, khắc phục từng nội dung để bảo đảm tiêu chí khi đã cấp phép.

UBND TP chỉ đạo ngành giáo dục Thủ đô có giải pháp kiểm định và công bố công khai về chất lượng của các trường ngoài công lập, trên cơ sở đó công bố công khai về học phí, khắc phục tình trạng giữa học phí và chất lượng không tương xứng; UBND các quận, huyện, xã, phường tăng cường kiểm tra, hậu kiểm các trường sau cấp phép…

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đặc biệt lưu ý UBND các cấp và ngành giáo dục TP phối hợp kịp thời, đưa ra giải pháp nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các vụ bạo lực học đường, bạo lực trẻ em, kiên quyết xử lý cá nhân, tổ chức bao che khi hành vi được phát hiện.

"HĐND TP Hà Nội sẽ tái giám sát vấn đề này vào kỳ họp giữa năm 2019. Hy vọng sau chất vấn, nội dung này sẽ có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho trẻ được học ở môi trường an toàn, lành mạnh, bảo đảm các tiêu chí đặt ra", Chủ tịch HĐND TP Hà Nộ Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu.

Tin cùng chuyên mục