Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Thân nhân của người có công với cách mạng được cấp BHYT gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; người phục vụ người có công với cách mạng (người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình; người phục vụ thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình; người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình). Như vậy, trường hợp của bà không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Bà có thể liên hệ với đại lý thu BHYT ở các bưu cục gần nơi cư trú đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình.
- Anh trai tôi hy sinh ở chiến trường B năm 1967. Anh không còn cha mẹ từ năm 1950, không có anh chị, không vợ con, chỉ có duy nhất tôi là em gái. Năm 1987, gia đình tôi được công nhận là gia đình liệt sĩ và tôi thờ cúng anh tôi từ đó đến nay. Bản thân tôi cũng là người có công với cách mạng. Tôi xin hỏi, tôi có được BHYT 100% không (tôi đang hưởng BHYT hưu trí, mức 95%)? (TRẦN THỊ LỚI, quận Tân Bình, TPHCM).
Thân nhân của liệt sĩ được ngân sách nhà nước đóng BHYT và được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Như vậy, bà không thuộc đối tượng được Quỹ BHYT thanh toán 100%.
Nếu bà là người có công với cách mạng thì bà lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh quyền lợi khám chữa bệnh trên thẻ BHYT (theo phiếu giao nhận hồ sơ 402), nộp cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT hưu trí (BHXH quận Tân Bình) để được xem xét, giải quyết đổi sang mã quyền lợi mức 2 (100%) nếu đúng đối tượng theo quy định. Trong hồ sơ, bà cần kèm theo một trong các loại giấy tờ có liên quan như sau: Huân chương kháng chiến, huy chương kháng chiến, huân chương chiến thắng, huy chương chiến thắng hoặc chứng nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thời gian hoạt động kháng chiến của cơ quan thi đua - khen thưởng cấp huyện; giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh; Lý lịch quân nhân, phiếu quân nhân, lý lịch đảng viên, quyết định hưởng chế độ hưu trí có kèm bản quá trình tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí (có ghi nhận thời gian tham gia kháng chiến).
- Tôi là cán bộ quân đội nghỉ hưu, thương binh 4/4 (tỉ lệ 37%) và nhiễm chất độc hóa học với tỷ lệ 62%. Vợ tôi là con liệt sĩ và là giáo viên đã nghỉ hưu. Con tôi đang công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Bình, chỉ có thẻ BHYT mức 80%. Vậy con tôi có được hưởng BHYT diện thân nhân người có công không? Vợ tôi là con liệt sĩ thì thẻ BHYT hưởng ra sao? (NGUYỄN VĂN ĐỨC, quận 12, TPHCM).
Theo Luật BHYT và Thông tư 41/2014, thân nhân của người có công với cách mạng được cấp thẻ BHYT. Về mức hưởng cụ thể, được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT với thân nhân của liệt sĩ gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Được hưởng 95% gồm thân nhân (con đẻ từ trên 6 tuổi bị dị dạng, dị tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng) của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Con ông đã trưởng thành, đi làm, nên sử dụng thẻ BHYT ở nơi làm; con ông không thuộc đối tượng được hưởng quyền lợi BHYT theo diện thân nhân của người có công với cách mạng. Còn vợ của ông là con liệt sĩ, được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, thẻ BHYT được chuyển đổi sang mã quyền lợi mức 2. Vợ ông cần lập hồ sơ điều chỉnh quyền lợi khám chữa bệnh (phiếu giao nhận hồ sơ 402), kèm theo thẻ BHYT và bản sao giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ nộp cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT của đối tượng hưu trí (BHXH quận 12) để điều chỉnh.