Con đường hạnh phúc

Đường lớn đã mở….
Con đường hạnh phúc

Ngày xưa, bà con dân bản ở nhiều vùng thuộc huyện Kỳ Sơn, Tương Dương muốn sang huyện Quế Phong phải băng rừng, vượt sông ra quốc lộ 7 rồi xuôi xuống quốc lộ 1A sau đó ngược quốc lộ 48 mới tới nơi, với quãng đường 500 - 600km. Sau này, có đường Hồ Chí Minh, quãng đường này tuy đã ngắn lại nhưng vẫn còn xa ngái. Nhưng kể từ tháng 9-2015, mọi việc đã khác khi xuất hiện đường Tây Nghệ An và trở thành “con đường hạnh phúc” của đồng bào Khơ Mú, Mông, Thái, Ơ đu…

Đường lớn đã mở….

Năm 2009, khi đi thực tế đến chốn “thâm sơn cùng cốc” Nhôn Mai, Mai Sơn (huyện Tương Dương) tôi chỉ có lựa chọn duy nhất là vượt sông Nậm Nơn đi ngược lên. Ngót nghét 100km, vượt nhiều thác ghềnh như: Cành Tát, Phơi Chăn, Cà Chăn, Thà Lạt… với những giây phút thót tim, nghẹt thở, gần một ngày tôi mới tới được trung tâm xã Mai Sơn. Sau chuyến đi đó tôi “ớn” luôn và không dám nghĩ sẽ có ngày quay lại Nhôn Mai, Mai Sơn. Nhưng “con đường hạnh phúc” đã cho tôi cơ hội này. Trước đây, để đến được Nhôn Mai, tôi phải đi mất hai ngày. Từ TP Vinh đón xe khách lên thị trấn Hòa Bình, ngủ một đêm, sau đó ngược sông Nậm Nơn với tổng quãng đường gần 300km. Còn bây giờ, cũng từ TP Vinh, tôi theo quốc lộ 48 lên huyện Quế Phong, đến xã Tri Lễ rồi đi theo “con đường hạnh phúc” chỉ khoảng 25km là tới nơi, chặng đường còn 200km, thời gian đi chỉ hơn một buổi sáng.

Đường điện đang được kéo theo đường Tây Nghệ An vào các bản làng.

Một loạt các xã trọng điểm vùng biên giới được “con đường hạnh phúc” đi qua và kết nối, như: Tri Lễ (Quế Phong), Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương), Bắc Lý, Mỹ Lý, Mường Lống, Huồi Tụ, Phà Đánh (Kỳ Sơn)… Từ “con đường hạnh phúc” nhìn xuyên qua cánh đồng lòng chảo, trung tâm xã Tri Lễ hiện lên khang trang với nhà cao tầng, ngói đỏ,… Nếu không có “phông nền” là núi rừng bao quanh thì dễ nhầm tưởng đây là trung tâm ở đồng bằng. Đường điện cũng đang được kéo song song với con đường vào các xã vùng sâu. Ở các điểm trung tâm, cột thu phát sóng đã và đang được dựng lên. Nhiều nơi dọc bên đường, người dân đang dựng nhà sàn mới, một số làm nhà trệt như của người Kinh. Tại bản Nhôn Mai mới (xã Nhôn Mai), chúng tôi bắt gặp một ô tô đang dừng bên đường bán quần áo ấm, chăn gối nệm…

Các bà các cô trong bản tụm lại xem hàng và nói cười râm ran. Cách đây mấy năm, ngay tại trung tâm xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) không có sóng điện thoại di động. Muốn nghe được điện thoại phải xuống trung tâm xã Mỹ Lý cách hơn 10km đường rừng. Nhưng bây giờ, nhờ có đường, điện vào, cột phát sóng được dựng. Gọi điện hỏi thăm ông Cụt Phò Dương, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý, ông khoe: “Ô, cái sóng điện thoại ở xã ta giờ hắn chạy vo vo rồi”.

Niềm vui dân bản

Lô Thị Dung là một cán bộ trẻ, mới được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai. Gặp chúng tôi, chị Dung mừng “ra mặt”: “Ôi mấy anh ơi, có đường vui lắm. Người dân sướng mười thì cán bộ nhà em sướng một trăm”. Kể ra cái sự vui sướng của cô lãnh đạo trẻ này là có lý. Trước đây, khi chưa có đường miền Tây đi qua xã, mỗi lần xuống huyện họp cán bộ rất khổ, phải dậy từ sáng sớm đi bộ ra bến thuyền, nếu đông người thì xuôi sông Nậm Nơn hết 100.000 đồng, mất hơn một buổi mới đến bến ở đập thủy điện Bản Vẽ, rồi thuê xe ôm 40.000 đồng để đến thị trấn Hòa Bình. Sáng mai họp, nếu xong sớm về thì kịp, còn thường phải ngủ thêm một đêm, vị chi mất 3 ngày. Nếu ai có việc đột xuất đi thuyền một mình thì phải bỏ từ 800.000 - 1 triệu đồng/chuyến. Ngay cả việc đi xuống cơ sở, vào các bản xa như: Huồi Cọ, Huồi Măn, Phá Mựt,… phải đi bộ 7-8 tiếng, giờ chỉ còn 2 tiếng chạy xe máy.

Ngày con đường khai thông, 12 bản ở Nhôn Mai, trong đó có 7 bản người Khơ Mú, 3 bản người Mông và 2 bản người Thái mở chung một ngày hội. 707 hộ, 3.277 nhân khẩu hưởng chung một niềm vui. 70% hộ nghèo của Nhôn Mai có cơ hội thoát nghèo nhờ những sản vật làm ra như: gà đen, heo nít (một giống heo của đồng bào dân tộc), dê, khoai sọ, dong diềng, măng… sẽ có người tìm đến mua hoặc tự đem đi bán, không còn cảnh nhà ai cũng có nên không biết bán cho ai.

Có đường rồi, người chẳng may bị ốm đau ở chốn “thâm sơn cùng cốc” này không còn phải trông chờ vào thầy cúng hoặc nằm chờ chết, cũng không phải vật vã trên cáng để được đưa xuống bến thuyền ra ngoài huyện chữa bệnh. Ông Vi Thắng (63 tuổi, ở bản Na Hỷ, Nhôn Mai) phấn khởi: “Sướng lắm mấy chú ơi. Ngày xưa lỡ ốm đau phải có người khiêng cáng ra bến sông, xuống thuyền theo sông hết cả ngày đường mới tới được bệnh viện. Nhiều người bệnh ít thành bệnh nhiều nên người ta sợ không dám đi, chỉ nhờ thầy cúng thôi, sau này thì nhờ bác sĩ Tủa”. Bác sĩ Tủa chính là Và Bá Tủa, vị bác sĩ người Mông đầu tiên của huyện Tương Dương, Trạm trưởng Trạm Y tế Nhôn Mai. Với thành tích cứu chữa được cho nhiều người, anh đã được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010-2015. Bây giờ thì vui rồi. Con đường phía Tây mở ra chạy qua ngay trước mặt Trạm Y tế Nhôn Mai, giờ có thêm sóng điện thoại, nên khi cần bác sĩ Tủa có thể “a lô” nhờ xe cứu thương dưới huyện lên hoặc bên huyện Quế Phong sang.

Thắt chặt “sợi dây tình cảm”

Chiều chạng vạng, tôi ghé nhà anh Lộc Văn Sơn ở bản Xói Voi (xã Nhôn Mai). Sơn là một trong hai thanh niên người Khơ Mú đầu tiên trong bản “xuất ngoại”. Khi tôi vào nhà, vợ chồng Sơn và con gái nhỏ đang ngồi bên bếp lửa chuyện trò, Sơn khoe: “Em vừa ở Đài Loan về. Về đến thấy nhà mình nằm ra ngoài mặt đường rồi anh ơi”. Vốn trước đây, bản Xói Voi rất xa trung tâm. Từ nhà Sơn, mỗi lần có việc xuống UBND xã phải mất 3 giờ đi bộ xuyên rừng. Riêng hành trình “chui” ra khỏi rừng để “xuất ngoại” của Sơn thật gian nan. Cách đây 3 năm, Sơn trúng tuyển xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Từ nhà, Sơn phải cuốc bộ gần 4 giờ ra bến sông gần Đồn biên phòng Nhôn Mai. Từ đây, thuê tiếp thuyền đi xuôi dòng Nậm Nơn hết hơn nửa ngày để xuống bến thuyền ở gần thủy điện Bản Vẽ. Từ Bản Vẽ thuê xe ôm xuống thị trấn Hòa Bình. Ngủ một đêm tại đây, sáng hôm sau bắt xe khách xuống TP Vinh, rồi từ đây mới được công ty đưa ra Hà Nội để bay sang Đài Loan. “Ôi anh ơi, khi đi gian nan rứa đó, hơn 300km mà. Nhưng lúc về thì sướng lắm. Em đi từ Vinh lên huyện Quế Phong rồi theo đường mới mở mà về, xe dừng ngay trước cửa nhà”, Sơn cười rõ tươi.

Tôi không chỉ mừng cho những “người con bản địa” như Sơn mà còn vui với các thầy cô giáo và cán bộ cắm bản, bộ đội biên phòng cắm chốt nơi miền biên cương Tổ quốc này. Tôi nhớ và thương những thầy cô đã gặp ở Trường THCS Dân tộc nội trú Mai Sơn, như: Ngân Quí Mạnh, Nguyễn Nghĩa Tuấn, Nguyễn Thị Thập… Trước đây, khi thầy cô lên với học trò nơi đây phải vượt qua bao khó khăn, kể cả hiểm nguy. Nhưng tết này, các cô giáo trẻ cắm bản ở Mai Sơn, Nhôn Mai sẽ không còn phải bật khóc khi nghĩ đến cảnh phải vượt qua những cái thác trên sông Nậm Nơn rợn người để về đến nhà đón tết cùng gia đình, vì bây giờ đã có “con đường hạnh phúc” với mỗi ngày có hai chuyến xe khách rẽ đi hai hướng: một hướng về huyện Quế Phong, một hướng về huyện Kỳ Sơn.

Kỳ công và kỳ tích

Nói về đường Tây Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An, tâm đắc: “Đây là con đường của sự kỳ công và kỳ tích”. Ngày trước, người dân các vùng lõm như: Mai Sơn, Nhôn Mai (Tương Dương), Mỹ Lý, Bắc Lý (Kỳ Sơn)… vô cùng khổ cực, nhất là vào mùa mưa lũ. Gần như năm nào có mưa lũ lớn là đồng bào lại bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, nhiều thời điểm dân lâm vào tình cảnh đói rét. Trước thực tế đó, lãnh đạo tỉnh đã giao cho ngành GTVT nghiên cứu, khảo sát để mở tuyến đường vào vùng lõm này. Năm 2005, dự án đường Tây Nghệ An được Bộ GTVT phê duyệt, đến năm 2010 UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt điều chỉnh với tổng mức đầu tư 2.127 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Có được quyết định đầu tư, có vốn, nhưng khó khăn nhất khi xây dựng tuyến đường là địa hình rừng núi phức tạp, việc vận chuyển vật liệu, máy móc lên công trường là cả một sự kỳ công và gian nan. Có những thời điểm cam go tưởng như không thể vượt qua. Như khi làm cầu Nậm Nơn thì trụ cầu bị trôi. Nguyên nhân do thủy điện Bản Vẽ tích nước lên cao trình 168m đã tác động làm dịch chuyển một quả núi gần đó. Sở GTVT đã phải mời Viện Vật lý địa cầu về khảo sát, nghiên cứu và xác định lại vị trí đặt trụ cầu. Đến năm 2014, Sở GTVT đã đôn đốc các đơn vị tham gia xây dựng đẩy nhanh tiến độ thi công. Việc hoàn thành con đường sớm hơn một năm đã làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng và đặc biệt đã thực hiện đúng lời hứa sớm có đường cho bà con dân bản đón Tết Bính Thân 2016.

Với chiều dài 184km và 41 cầu, đường Tây Nghệ An đã “xâu kết” 3 huyện Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn. “Nàng công chúa ngủ trong rừng” - miền Tây Nghệ An đang được đánh thức với sự phát triển về kinh tế - xã hội, văn hóa... Và cũng chính tuyến đường này đã và đang trở thành “mạch” thứ ba song song với quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, liên kết vùng Tây Nghệ An và Tây Thanh Hóa, kết nối sang cả nước bạn Lào…

DUY CƯỜNG

Mời bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ: Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; hoặc gửi qua địa chỉ email: cuocthiphongsukysu@sggp.org.vn. Tác giả dự thi ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016: “Ấn tượng đất nước -  con người Việt Nam”, cùng địa chỉ cư ngụ, số điện thoại liên lạc.  Ban tổ chức không hoàn trả bản thảo tác phẩm dự thi. Thể lệ cuộc thi đăng tại địa chỉ www.sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục