“Con đường phục hồi” ở Dải Gaza

Road to Recovery là một tổ chức thiện nguyện của người Israel giúp đưa hàng chục ngàn người Palestine xuyên biên giới để đến được các bệnh viện ở Israel cấp cứu và cả chữa bệnh hiểm nghèo trong khoảng 14 năm qua. Trong cuộc xung đột hiện nay ở Dải Gaza, một số tình nguyện viên của nhóm đã hy sinh, các nguồn tài trợ bị giảm nhiều, nhưng không vì thế mà họ chùn bước.

Cha con người Palestine trên chiếc xe của Road to Recovery đưa vào Israel khám bệnh Ảnh: EURONEWS
Cha con người Palestine trên chiếc xe của Road to Recovery đưa vào Israel khám bệnh Ảnh: EURONEWS

Năm 1993, anh trai của ông Yuval Roth bị Hamas giết chết. Nhưng thay vì coi người Palestine là mối nguy hiểm, ông tham gia Diễn đàn Vòng tròn cha mẹ - gia đình (một nhóm nhỏ tập hợp những người Israel và Palestine bị mất gia đình trong cuộc xung đột Israel - Palestine).

Tình cờ, năm 2006, một người Palestine nhờ ông Roth giúp đỡ đưa một thành viên trong gia đình đang bị bệnh đến Bệnh viện Rambam ở TP Haifa của Israel. Sau lần này, ông Roth bắt đầu rủ thêm bạn bè để cùng tham gia. Ngay sau đó, ông đã nhận được sự quyên góp từ ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng người Israel là Leonard Cohen. Được tiếp sức, ông Roth quyết định biến nhóm tình nguyện viên của mình thành một tổ chức phi lợi nhuận và Road to Recovery (tạm dịch Con đường phục hồi) chính thức được thành lập vào năm 2010. Đến năm 2018, nhóm có gần 2.000 tình nguyện viên và trong năm này, họ đã thực hiện hơn 20.000 chuyến đưa người Palestine đến được các bệnh viện để khám bệnh, từ lọc máu đến ghép tạng ...

Tuy nhiên, kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7-10 khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, mọi thứ đã thay đổi. Đã có 4 tình nguyện viên của Road to Recovery thiệt mạng, 2 người vẫn đang bị Hamas bắt làm con tin ở Gaza. Xung đột leo thang ở Gaza khiến Road to Recovery không thể hỗ trợ những người sống ở đó nữa mà lui về cứu người ở Bờ Tây. Hiện nay, mỗi ngày, các tình nguyện viên xoay xở chở khoảng 140 người đến các bệnh viện của Israel.

Chia sẻ với Euronews, bà Yael Noy, Giám đốc điều hành của tổ chức này, cho biết, mọi thứ đã thay đổi ở Israel vào ngày 7-10, nhưng Road to Recovery vẫn tiếp tục làm những gì mà họ đang làm. Nếu như trước cuộc xung đột, số tình nguyện viên ở trung tâm điều phối là 17 người, thì bây giờ chỉ còn 8-9 người Israel nhưng vẫn quan tâm giúp đỡ những người bên kia biên giới. Bà Noy hiện sống ở miền Bắc Israel, gần Lebanon. Cha mẹ bà đang sống ở Kibbutz Alumim, một trong những cộng đồng bị Hamas tấn công và phải di dời. 2 cháu trai của bà Noy chiến đấu chống Hamas ở Gaza.

Ở cả hai phía đều có người tốt và người xấu, và thực tế là vẫn có nhiều người Israel nghĩ rằng tất cả người dân ở Gaza đều là Hamas. Trong suy nghĩ của họ, “đây là thời chiến”, và “chúng ta không thể giúp đỡ kẻ thù”. Bên cạnh đó, tình nguyện viên của Road to Recovery cũng bắt đầu nhận những cuộc gọi đe dọa hung hăng phản đối công việc của họ.

Road to Recovery không nhận được tài trợ của chính phủ và số tiền quyên góp từ người Israel đã giảm kể từ khi xung đột bắt đầu. Tuy nhiên, tổ chức vẫn giữ vững niềm tin. Bà Yael Noy nói: “Tôi không phải là chính trị gia. Tôi không biết chính phủ có thể làm gì. Nhưng tôi biết tổ chức của tôi cần gì. Chúng tôi đang giữ một ngọn nến nhỏ trong khu vực khủng khiếp này và chúng tôi cần sự hỗ trợ từ khắp nơi trên thế giới”.

Tin cùng chuyên mục