Con ghẻ!

Trong buổi họp phụ huynh phổ biến quy chế tuyển sinh lớp 10 tại một trường THCS, phụ huynh của một học sinh lớp 9 đoạt giải 3 học sinh giỏi cấp TP môn Sử đã thốt lên: “Học sinh đã thích học sử, đầu tư vào môn học để đoạt giải cấp TP nhưng lại không được ưu tiên khi thi tuyển vào lớp 10, các môn Toán, Lý, Hóa, Anh, Văn… thì lại được cộng điểm ưu tiên khi thi vào lớp chuyên. Học nghề phổ thông còn có điểm khuyến khích. Nếu biết trước có sự phân biệt, bất công như thế, tôi chẳng muốn cho con theo đuổi những môn học phụ như Sử, Địa đâu”.

Bức xúc của vị phụ huynh này không phải là hiếm, rất nhiều phụ huynh gần đến ngày thi mới tá hỏa vì con mình hoàn toàn…trắng tay. Theo quy chế tuyển sinh lớp 10, học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp TP chỉ được cộng điểm ưu tiên khi thi vào trường chuyên, lớp chuyên có môn chuyên đúng với môn đã đoạt giải.

Tuy nhiên, tại các trường THPT ở TPHCM, những môn ít người thích như Sử, Địa lại không có lớp chuyên cho nên những học sinh đoạt giải đành chịu phần thiệt.
 
Những môn Sử , Địa kén người học mà học sinh đã thích và đầu tư thì cần phải được khuyến khích xứng đáng để xóa dần “định kiến” về môn học phụ. Không chỉ người học mà ngay trong ngành giáo dục cũng đã có sự phân biệt giữa môn chính – môn phụ nên xuất hiện nghịch lý là học sinh giỏi môn phụ bị mất quyền ưu tiên.

Nhìn vào bản đồ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia một vài năm gần đây, TPHCM đang mất dần ưu thế những môn Sử, Địa về tay các địa phương khác. Năm học 2009-2010, TPHCM chỉ giành 3 giải ba và 1 giải khuyến khích môn Sử; môn Địa có 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích trên đấu trường thi quốc gia.
 
Hiệu trưởng của một trường THCS có tiếng ở quận 3 chỉ ra một thực tế: “Những trường “đại gia” đừng mong học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp TP hay quốc gia môn Sử, Địa. Vì có ép, học sinh cũng không thi, thậm chí vào đến đội tuyển rồi cũng bỏ vì nhiều nguyên nhân: Cha mẹ không định hướng theo con đường đó, không được ưu tiên trong kỳ thi tuyển nhưng quan trọng nhất là không có sự tiếp nối ở bậc học trên.

Thông thường chỉ có học sinh ở các trường bậc trung đang lên hạng, cần có học sinh đoạt giải nâng thành tích thi đua mới chú trọng những môn này. Nhiều người không hiểu tổ chức kỳ thi học sinh giỏi  cấp TP môn Sử, Địa làm gì khi mà lên đến lớp 10, các em không được tiếp tục được bồi dưỡng, học tập ở những lớp chuyên. Các học sinh dự thi môn Sử, Địa cũng giống như “giữa đường đứt gánh”, không có định hướng phát triển lâu dài thì thi và phát hiện người giỏi để làm gì, chẳng lẽ chỉ để… làm cảnh cho đẹp bảng thành tích?
 
Không tính đến yếu tố sách giáo khoa chưa hay và chương trình học quá nặng đã được phản ánh nhiều lần, chính sách đầu tư và khuyến khích của ngành giáo dục đang khuyến khích cho học sinh học lệch, chỉ chú trọng vào những môn chính, lơ là môn phụ như các môn xã hội- nhân văn vốn là nền tảng để phát triển nhân cách con người.

Ngay trong một kỳ thi chính thống như tuyển sinh vào lớp 10, nếu không có lớp chuyên, học sinh giỏi những môn Sử, Địa cũng nên được hưởng điểm thưởng khi thi vào lớp thường để không gây thiệt thòi cho học sinh giỏi các môn xã hội

TIÊU HÀ

Tin cùng chuyên mục