Còn khoán trắng, còn đau lòng

Trong lúc đời sống của nhiều người dân đang gặp khó khăn, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán thì câu chuyện phản cảm về hai ông “quan” ở Sóc Trăng đánh cờ ăn tiền tỷ, khiến lòng người không khỏi bức xúc. Cả hai đều là cán bộ đảng viên nhưng chơi bài ăn tiền tỷ nhiều năm mà không ai hay biết. Vụ việc chỉ bị phác giác khi một bên thua bạc lên đến 22 tỷ đồng, không trả đủ, bị đối thủ thuê giang hồ dọa giết, sợ hãi mới đến công an trình báo. Với đồng lương cán bộ cấp sở và trực thuộc sở như của hai vị này, tiền đó ở đâu ra?

Điều đáng nói, hai quan chức này là cán bộ cấp tỉnh, tại sao tổ chức Đảng, cơ quan quản lý nhà nước tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội các cơ quan đó không hề hay biết? Qua vụ việc này lại một lần nữa cho thấy, công tác quản lý cán bộ, đảng viên ở một số địa phương, đơn vị rất lỏng lẻo. Từ câu chuyện vụ lật xe chở gỗ lậu khiến 10 phu gỗ chết oan ở Nghệ An đã phơi bày sự thật cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Huống đóng vai trò “lâm tặc” khi ăn cắp gỗ từ khu bảo tồn thiên nhiên mà họ được giao bảo vệ cả một thời gian dài. Và còn rất nhiều vụ việc sai phạm tương tự bị cơ quan chức năng phát hiện, xuất phát cũng từ chuyện buông lỏng quản lý cán bộ.

Một thống kê cho thấy, 80% số vụ tham nhũng bị phát hiện là từ quần chúng chứ không phải do tổ chức Đảng, cơ quan chính quyền, cơ quan thanh tra, giám sát, kiểm tra phát hiện. Nếu tiếp tục buông lỏng việc quản lý cán bộ, đảng viên, “khoán” trắng cho cơ quan chức năng, chắc chắn, những vụ việc đau lòng như trên còn tiếp diễn.

Cơ quan chức năng tuy quan trọng nhưng chỉ là cơ quan tham mưu, nghiên cứu, đề xuất, thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, không có nhiệm vụ quản lý trực tiếp, mà đây phải là nhiệm vụ của cấp ủy. Mà cấp ủy muốn quản lý tốt cán bộ, trước hết phải nắm chắc, sâu sát cán bộ. Muốn nắm chắc và sâu sát chỉ có cách thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với môi trường hoạt động của cán bộ đó, lắng nghe tiếng nói của quần chúng, bởi thực tiễn đã chứng minh: không có gì qua được tai mắt của nhân dân.

Việc thường xuyên tiếp xúc môi trường hoạt động, sinh hoạt của cán bộ sẽ giúp cấp ủy sâu sát được đối tượng quản lý để từ đó uốn nắn kịp thời sai sót mới phát sinh, không để cán bộ lún sâu vào sai lầm, làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Đó cũng là cách bảo vệ cán bộ tốt nhất. 

LINH ĐAN

Tin cùng chuyên mục