Khoán kinh phí, biên chế ở TPHCM

Còn nhiều bất cập

Nghị định 130/2005/NĐ-CP (17-10-2005) của Chính phủ (quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính với cơ quan nhà nước - gọi tắt là khoán kinh phí, biên chế) ra đời đã nhận được ủng hộ của cán bộ công chức (CBCC). Mục tiêu của khoán kinh phí, biên chế là tạo điều kiện để các cơ quan chủ động trong sử dụng biên chế, kinh phí; sắp xếp bộ máy làm việc hiệu quả hơn; nâng cao hiệu suất lao động, tạo thêm thu nhập cho CBCC... Thế nhưng, bên cạnh mặt đạt được, thời gian qua, việc thực hiện khoán biên chế, kinh phí tại TPHCM đã xuất hiện nhiều tồn tại, bất cập lớn. Biên chế: thừa mà thiếu!

Nghị định 130/2005/NĐ-CP (17-10-2005) của Chính phủ (quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính với cơ quan nhà nước - gọi tắt là khoán kinh phí, biên chế) ra đời đã nhận được ủng hộ của cán bộ công chức (CBCC). Mục tiêu của khoán kinh phí, biên chế là tạo điều kiện để các cơ quan chủ động trong sử dụng biên chế, kinh phí; sắp xếp bộ máy làm việc hiệu quả hơn; nâng cao hiệu suất lao động, tạo thêm thu nhập cho CBCC... Thế nhưng, bên cạnh mặt đạt được, thời gian qua, việc thực hiện khoán biên chế, kinh phí tại TPHCM đã xuất hiện nhiều tồn tại, bất cập lớn.

Biên chế: thừa mà thiếu!

Khoán biên chế với mục tiêu tối thượng là tăng thu nhập cho CBCC, vì thế nhiều sở ngành - quận huyện ra sức tiết kiệm… nhân lực! Báo cáo với TP, hầu như phường xã, quận huyện, sở ngành nào cũng dư định biên. Nơi ít thì vài người, nơi nhiều thì vài chục. Từ đó, thu nhập của CBCC cũng tăng thêm một phần (từ 55.000 đồng đến 500.000 đồng/người/tháng).

Nhưng, để rút gọn tối đa bộ máy nhân sự, tiết kiệm định biên thì công việc của CBCC cũng được tăng cường. Một người phải “gánh” từ việc chuyên môn đến những việc không tên khác, tất cả vì mục tiêu “tiết kiệm định biên, tăng thu nhập”! Nhưng, hiệu quả đến đâu thì chưa biết, chỉ thấy nơi nào cũng “than” vì thiếu người có chuyên môn giải quyết thủ tục, nhất là các lĩnh vực “nóng”: xây dựng, nhà đất, quy hoạch…

UBND phường Tân Định, quận 1 cho biết, phường được phân cấp thực hiện khá nhiều việc như chứng giấy tờ nhà đất, ủy nhiệm thu thuế nhà đất, đôn đốc thu các bản án có giá trị dưới 500.000 đồng, chủ đầu tư công trình, sửa chữa nhỏ dưới 200 triệu đồng… Nhưng do phường không có nhân sự thích hợp để làm chủ đầu tư các công trình sửa chữa nhỏ nên cũng phải trông chờ vào Ban Quản lý dự án quận!

Mới đây, trong một cuộc họp với lãnh đạo các sở ngành, UBND quận 5 cũng cho biết, số lượng hồ sơ nhà đất của quận tăng đột biến, nhưng quận không thể tiếp nhận thêm nhân sự do có quy định về mức định biên của toàn quận. Hiện, phòng TN-MT quận có 20 cán bộ, trung bình hàng tháng giải quyết trên 2.000 hồ sơ (bình quân 100 hồ sơ/cán bộ/tháng). Quận chủ trương tăng biên chế cho phòng nhưng thực tế số tiếp nhận thêm không đáp ứng nhu cầu vì liên quan đến chế độ tiền lương, trợ cấp và tiết kiệm tăng thu nhập trong mức khoán chung của phòng.

Có phường, xã còn lấy lý do tiết kiệm để không trang bị máy vi tính vì ngoài mua máy còn tốn tiền mua phần mềm, bảo trì, tiền điện… Chưa kể có nhiều cuộc họp tổ chức ngoài Hà Nội, các sở ngành, quận huyện hạn chế người hoặc không dám tham dự vì sợ tốn tiền máy bay đi về…

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Châu Minh Tỷ bức xúc: TP không hề khuyến khích tiết kiệm bằng cách một người kiêm nhiệm quá nhiều việc. Nhiều nơi không thực hiện hết định biên được giao nhưng cứ than thiếu người. Ông nhận định, nếu chỉ dừng lại ở việc cố gắng tăng thu nhập thì việc khoán biên chế sẽ không có ý nghĩa, CBCC thêm vất vả vì kiêm nhiệm nhiều, hiệu quả công việc lại không cao.

Có tiền nhưng... cấm chi!

Ông Trương Quốc Mão, Trưởng phòng Tài chính, Sở GTCC TP, cho rằng theo quy định, việc tiết kiệm kinh phí và tạo thêm các nguồn thu khác nhưng hệ số thu nhập tăng thêm tối đa không quá một lần là quá ít so với thực tế, làm hạn chế hiệu quả công tác của cán bộ, khó thu hút người tài cho đơn vị.

Một cán bộ hiện đang công tác tại Sở Xây dựng than: “Ngoài công việc chuyên môn, nay chúng tôi phải làm thêm việc ở phòng tiếp nhận hồ sơ, giải thích cho người dân, doanh nghiệp rõ các quy định, đồng thời tăng cường làm thêm ngày thứ bảy… Việc thì quá nhiều, mà thu nhập ngoài tiền làm thêm, tiền hưởng thêm từ khoán cũng chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng…”.

Chính vì công việc quá nhiều nhưng người thì được “tinh gọn” nên không thể tránh khỏi việc chất lượng giải quyết công việc của CBCC còn chưa thật hiệu quả, dẫn đến giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân còn chậm trễ liên tục. Tình trạng này khiến người dân “kêu” rất nhiều thời gian qua, nhất là trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch…

Một lãnh đạo Sở GTCC cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Phòng Quản lý Giao thông - bộ phận quan trọng hàng đầu của Sở liên tục có nhiều cán bộ vững chuyên môn xin nghỉ. Hầu hết họ chuyển sang những công ty, tập đoàn của nước ngoài cùng hoạt động trong lĩnh vực này với mức thu nhập cao hơn nhiều. Trong khi đó, hiện Sở GTCC còn tồn 22 tỷ đồng (từ xử phạt của Thanh tra GTCC, tổ chức thi lấy bằng lái xe…) nhưng vẫn không thể chi tăng thu nhập, khen thưởng, phúc lợi… cho CBCC!

Đó cũng là tâm trạng chung của các sở ngành khác có nguồn thu ổn định và khá lớn như Sở Giáo dục, Sở Tư pháp. Khi trao đổi với chúng tôi, đại diện các đơn vị này đều cho rằng, vì quy định đã ràng buộc không được tăng quá thu nhập một lần nên dù có tiền, các đơn vị cũng “bó tay”.

Cần được điều chỉnh

Rõ ràng, những bất cập trong việc thực hiện khoán kinh phí, biên chế hiện nay đã tạo một rào cản khá lớn cho các đơn vị. Chưa kể, cách tính mức lương khống chế như nhau giữa các tỉnh thành cũng là điều bất hợp lý. Việc “cào bằng” giữa TPHCM, Hà Nội cũng như Lạng Sơn, Yên Bái… là vô lý vì mức chi tiêu ở các nơi này rất khác nhau. Ngay trong TP cũng vậy, việc quy định chức danh cấp phường còn chung chung, chưa tính đến sự khác biệt giữa khu vực nội thành và ngoại thành để có nhân sự phù hợp. Điển hình như nội thành thì cần tăng cường cán bộ phụ trách đô thị nhưng ngoại thành thì ngược lại, cần cán bộ phụ trách nông nghiệp - nông thôn…

Mức khoán 23,5 triệu đồng/người/năm ở cấp phường so với chỉ số giá cả hiện nay là thấp. Việc phân cấp, ủy quyền một số nội dung công việc chưa rõ ràng, dẫn đến quá tải ở một số lĩnh vực hoặc chưa có hướng dẫn để cấp dưới thực hiện… Đó là chưa kể cách bố trí nhân sự của TP hiện không hiệu quả vì khi cần là có thể “tiết kiệm” ngay hàng chục định biên/đơn vị trong khi người dân vẫn còn than quá nhiều là điều khó hiểu!

Quận huyện, sở ngành “than”, TP đều biết nhưng như lời giám đốc Sở Nội vụ thì việc này vượt quá thẩm quyền của TP. Ông còn dẫn chứng thêm, hiện nay các Ban quản lý dự án cũng là nơi có nguồn thu khá nhiều và đang rất cần những người tài trong việc xây dựng các dự án giao thông, đô thị trên địa bàn TP nhưng với mức lương theo quy định, rất khó tìm được người.

Với những bất cập thấy rõ, chủ trương khoán biên chế, kinh phí cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. 

HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục