(SGGP).- Ngày 14-12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật Viên chức, Luật Khoáng sản sửa đổi và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua).
Về Luật Viên chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, một trong những điểm đáng chú ý của luật này là quy định chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức và các quy định chuyển tiếp. Cụ thể, viên chức có thời gian làm việc 5 năm trở lên tại đơn vị sự nghiệp công lập được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển; viên chức được tiếp nhận, bổ sung vào vị trí làm việc được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng; viên chức chuyển sang cán bộ, công chức hoặc ngược lại đều được bảo đảm có quyền lợi về chế độ, chính sách. Đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2003 có quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn. Viên chức tuyển dụng sau ngày 1-7-2003 đến ngày luật này có hiệu lực, tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết theo quy định của luật này. Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1-1-2012.
Về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh cho biết, vấn đề giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được quy định bằng các hình thức như thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Bên cạnh các phương thức giải quyết tranh chấp nói trên, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng, lợi ích cộng đồng thì người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch đứng ra giải quyết. Luật cũng xác định vị trí, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như quyền khởi kiện vì lợi ích cộng đồng của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tổ chức này cũng được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao. Luật có hiệu lực thi hành từ 1-7-2011.
Với Luật Khoáng sản (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, các điểm mới là cấp giấy phép khai thác khoáng sản qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản, quản lý nhà nước về khoáng sản, phân cấp thẩm quyền cấp phép… Luật cũng đã đã bổ sung quy định về chiến lược khoáng sản nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng cũng như công tác lập quy hoạch và thăm dò khoáng sản, tránh tình trạng chồng chéo. Bên cạnh đó, luật cũng đã quy định về nguyên tắc và điều kiện cấp phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản nhằm tăng chất lượng công tác thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác và lựa chọn được tổ chức, pháp nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm khi được cấp phép. Luật Khoáng sản sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.
LÂM NGUYÊN