Công nghiệp năng lượng tái tạo lên ngôi

THỤY VŨ
Công nghiệp năng lượng tái tạo lên ngôi

Sau thành công của Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP21), đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất năng lượng sạch (năng lượng tái tạo, năng lượng xanh) dự báo sẽ tăng mạnh. Bên cạnh việc hợp tác cũng sẽ có cuộc cạnh tranh quyết liệt nhằm thay thế cho năng lượng hóa thạch (dầu, than đá)…

Điện Mặt trời ngày càng phổ biến ở Ấn Độ

Đầu tư để hạ giá thành

Trưởng đoàn đàm phán của Thụy Sĩ tại COP21 Franz Perrez cho rằng, sự thành công của COP21 đã chuyển một thông điệp mạnh mẽ tới toàn thế giới, theo đó khuyến khích việc chuyển hướng đầu tư từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Theo ông Perrez, sự thay đổi tư duy đầu tư này có thể diễn ra tại tất cả các nước, kể cả nước phát triển và đang phát triển. “Ngày nay, không ai có thể làm giàu bằng công nghệ than đá của thiên niên kỷ vừa qua mà phải bằng công nghệ và phát minh mới”.

Cũng nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh, tỷ phú Bill Gates đã có sáng kiến thành lập Liên minh năng lượng đột phá (BEC) gồm 28 nhà đầu tư ban đầu. Trong buổi lễ công bố thành lập BEC được công bố ngay tại COP21, CNN dẫn lời tỷ phú Bill Gates nói: “Bạn cần đổi mới để làm sao giá của điện sạch thấp hơn giá điện phát từ than”. Cũng theo ông, hạ giá thành năng lượng sạch để tăng tính cạnh tranh với năng lượng hóa thạch là cách tốt nhất để các nước nghèo chuyển đổi sang năng lượng sạch mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Bill Gates tin rằng trong 5 năm tới, giá năng lượng sạch sẽ thấp hơn hiện nay. Cùng với đó, thế giới cần có thêm đầu tư để tìm ra thêm nhiều công nghệ tiên tiến hơn.

Cuộc đua đa phương vì môi trường

Sau khi COP21 bế mạc thành công vào ngày 12-12, Tây Ban Nha trở thành nước đầu tiên trên thế giới tuyên bố sẽ lấy lại vị thế đứng đầu thế giới về năng lượng sạch. Với khoảng 300 ngày nắng mỗi năm và là khu vực tiếp nhận những cơn gió mạnh, Tây Ban Nha đứng đầu thế giới về sản xuất năng lượng Mặt trời và năng lượng gió. Nhưng cuộc suy thoái kinh tế do bong bóng bất động sản dài cả thập kỷ đã kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo tại nước này. Ngành sản xuất năng lượng Mặt trời từng thu hút 35.000 việc làm vào năm 2008 nhưng hiện chỉ còn 5.000. Mặc dù vậy, Tây Ban Nha vẫn là nước đứng thứ năm trên thế giới về sản xuất phong điện và nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới về công nghệ phong điện.

Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới đã công bố kế hoạch đầu tư vào năng lượng sạch. Đức có kế hoạch đưa điện Mặt trời, phong điện và thủy điện chiếm 80% nguồn năng lượng của nước này vào năm 2050 từ mức 30% hiện nay. Ấn Độ có kế hoạch cũng không kém tham vọng với mục tiêu tăng thêm 175 GW điện sạch vào năm 2022 và năng lượng sạch nước này sẽ chiếm 30% tổng số năng lượng vào năm 2030.

Với đất nước giàu dầu mỏ như Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) cũng trở thành nhà đầu tư lớn cho năng lượng sạch. Dubai công bố chương trình đầu tư 27 tỷ USD lắp đặt hệ thống điện Mặt trời cho toàn bộ nóc nhà cao tầng vào năm 2030, đưa sản lượng điện sạch chiếm 25% tổng sản lượng điện vào năm 2030 và 75% vào năm 2050.

Ấn Độ và Pháp cũng đã công bố thành lập Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế (SA), một nỗ lực chung để thúc đẩy năng lượng sạch tại 120 quốc gia trên toàn thế giới. Đồng chủ trì SA là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Liên minh quốc tế khác cũng cam kết huy động 10 tỷ EUR từ năm 2015 đến năm 2020 để thúc đẩy châu Phi tiếp cận năng lượng sạch. Đức đóng góp 3,3 tỷ EUR, trong khi Pháp, Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Ý, Thụy Điển, Hà Lan và EU sẽ góp phần còn lại 6,7 tỷ EUR.

 Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới đã công bố kế hoạch đầu tư vào năng lượng sạch. Đức có kế hoạch đưa điện Mặt trời, phong điện và thủy điện chiếm 80% nguồn năng lượng của nước này vào năm 2050 từ mức 30% hiện nay. Ấn Độ có kế hoạch cũng không kém tham vọng với mục tiêu tăng thêm 175 GW điện sạch vào năm 2022 và năng lượng sạch nước này sẽ chiếm 30% tổng số năng lượng vào năm 2030.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục