Dù còn 2 tháng nữa mới kết thúc hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2010, nhưng tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đã xong kế hoạch chăm lo Tết Tân Mão, lương thưởng cuối năm cho người lao động. Hầu hết các DN đều có tháng lương 13 cho công nhân, nhiều DN làm ăn khá có kế hoạch thưởng 2 tháng lương 13 và mức thưởng tết năm nay cũng sẽ cao hơn năm ngoái.
Đơn hàng đầy ắp
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đang trên đà tăng trưởng cuối năm, xuất khẩu dệt may trong tháng 10-2010 tiếp tục đạt trên 1 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2010, dệt may đã đạt gần 9,17 tỷ USD. Như vậy, chắc chắn xuất khẩu dệt may cả năm 2010 sẽ đạt hơn 11 tỷ USD và dệt may cũng đã vượt qua dầu khí trở thành mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam trong tháng qua. Các thị trường xuất khẩu của hàng dệt may đều tăng.
Tại thị trường EU, nơi chiếm khoảng 20% thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam đã có mức tăng tốt hơn vào những tháng cuối năm 2010. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của dệt may Việt Nam, chiếm khoảng 55% thị phần, tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng cao hơn 20% trong những tháng qua. Ngoài ra, tận dụng tốt các hiệp định thương mại song phương và khu vực, xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục có tăng trưởng ngoạn mục trong năm nay.
Tại thời điểm hiện nay, hầu hết các DN dệt may tại TPHCM đã có đơn hàng cho năm 2011. Công ty may Mạnh Tiến (quận 12), đơn vị xuất khẩu 100% đơn hàng đi Mỹ đã được đối tác đặt hàng đến quý 2-2011. Công ty CP SX-TM may Sài Gòn (Garmex Saigon) có kế hoạch sản xuất cho các đối tác “ruột” kín cả năm 2011, không dám nhận thêm đơn hàng.
Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Garmex Saigon cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị có được kế hoạch ngoài dự kiến. Thường vào thời điểm cuối năm, DN mới có được kế hoạch sản xuất đến quý 2 năm sau nhưng năm nay các đối tác đã mạnh dạn “xí chỗ” trước. Nhãn hàng Decathlon của Tập đoàn Oxylane (Pháp) vừa ký kết thỏa thuận với Garmex Saigon để kéo dài thời gian đặt hàng. Theo đó, Oxylane cam kết đặt các đơn hàng may mặc thể thao xuất đi thị trường EU tại Garmex Saigon với số lượng tăng dần từ năm 2011 đến 2013, theo phương thức kinh doanh FOB (mua đứt, bán đoạn).
Điều này cho thấy lợi thế rõ rệt của ngành dệt may Việt Nam trong xu thế đang có rất nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài đã dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Và Việt Nam là điểm đến được các nhà nhập khẩu ưu tiên lựa chọn vì Việt Nam có đầy đủ thuận lợi trong vận chuyển bằng đường biển, hàng không. Hơn nữa, tay nghề của lao động dệt may Việt Nam được các nhà nhập khẩu nước ngoài đánh giá cao.
Mức thưởng cao hơn
Trong năm 2010, tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may của DN Việt Nam có nhiều thuận lợi về thị trường. Rõ ràng, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài đang rất cần nhà sản xuất Việt Nam. Có thể nói, DN dệt may Việt Nam hiện nay “được giá” hơn trước! Vì vậy, mối quan hệ giữa nhà nhập khẩu và nhà sản xuất cũng đã nhích lại gần nhau hơn, với mục tiêu cả 2 cùng có lợi. Năm qua, dù cho chi phí đầu vào tăng cao, nguyên liệu vải tăng do biến động lớn của giá sợi… nhưng nhà sản xuất vẫn đạt được những thỏa thuận tốt về giá bán để đảm bảo sản xuất và thu nhập đời sống người lao động.
Trong nhiều năm qua, chưa bao giờ người lao động ngành dệt may được các ông chủ kỳ vọng nhiều như thời điểm gần đây. Trong năm 2009, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng các DN dệt may vẫn cố gắng duy trì sản xuất để lao động có việc làm và người lao động vẫn được tăng lương. Để bù chi phí sinh hoạt tăng cao, trong năm nay, các DN dệt may đã tăng 20%-35% lương cho người lao động.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty may Mạnh Tiến cho biết, trong năm nay, mức lương cho lao động tại DN đã được điều chỉnh tăng 20%-25%. Hiện nay mức lương bình quân của mỗi công nhân may tại đơn vị ở khoảng 2,6 triệu đồng/tháng, nhiều công nhân làm giỏi nhận lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công nhân còn được hỗ trợ tiền nhà 300.000đồng/tháng. Cũng như những năm trước, DN cũng sẽ có quà và tháng lương 13 cho người lao động.
Những công ty lớn, có hoạt động kinh doanh tốt, năng suất lao động cao hơn như May Sài Gòn 3, Garmex Saigon… mức thưởng tết cho người lao động ở khoảng 2 tháng lương 13. Mức lương bình quân của công nhân tại Garmex Saigon năm 2009 khoảng 2,9 triệu đồng, năm nay đã tăng lên 3,9 triệu đồng/tháng.
Tại Sài Gòn 3, mức lương bình quân hiện nay 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng. Và nhiều lao động giỏi sẽ có mức lương khá cao, khoảng 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Việc được thưởng 2 tháng lương 13 trong năm nay, nhiều lao động dệt may sẽ nhận được mức thưởng khá cao.
Nhiều DN dệt may chia sẻ, hoạt động kinh doanh của DN tiến triển tốt như hiện nay có sự đóng góp rất lớn và rất quan trọng của đội ngũ công nhân. Người lao động xứng đáng nhận được thành quả đã đóng góp. Đây cũng là chiến lược để DN giữ được người lao động ở lại với mình, nhất là khi thị trường lao động dệt may đang có nhiều biến động giảm như hiện nay.
Với dự báo của thị trường năm tới, nhiều DN muốn mở rộng hoạt động sản xuất, tăng thêm lao động.
Mỹ Hạnh