Công nhân khốn khổ vì bị nợ bảo hiểm xã hội

Thời gian qua, Đường dây nóng Báo SGGP nhận nhiều đơn, thư phản ánh, khiếu nại của người lao động (NLĐ) ở các tỉnh Long An và Tiền Giang về việc họ bị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH). Không ít trường hợp NLĐ tìm đến cơ quan BHXH đề nghị được bảo vệ quyền lợi. Bên cạnh đó, hàng trăm NLĐ cũng đã ủy quyền tổ chức Công đoàn tỉnh Long An khởi kiện doanh nghiệp đòi tiền bảo hiểm. 
Nhiều người lao động đã ủy quyền cho tổ chức Công đoàn tỉnh Long An khởi kiện doanh nghiệp đòi tiền bảo hiểm
Nhiều người lao động đã ủy quyền cho tổ chức Công đoàn tỉnh Long An khởi kiện doanh nghiệp đòi tiền bảo hiểm

Ông P.A.T., công nhân tại Công ty T.N. (tỉnh Long An) - doanh nghiệp nợ BHXH gần 8 tỷ đồng, cho biết: “Suốt gần 5 năm qua, công ty vẫn thu tiền bảo hiểm của NLĐ đầy đủ, nhưng không đóng cho cơ quan BHXH địa phương. Hầu hết NLĐ nơi đây đã nghỉ việc hoặc chuyển đi nơi khác. Cũng có NLĐ đã kiện ra tòa, đòi công ty phải đóng đủ tiền bảo hiểm cho họ, nhưng đến nay vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ. Riêng tôi tiếp tục làm việc, nhưng không được đóng BHXH, không được khám chữa bệnh bằng BHYT…”. 

Theo BHXH tỉnh Long An, cơ quan này đã áp dụng nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng, đôn đốc hoặc mời đơn vị chậm đóng BHXH lên làm việc; thanh tra, kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên. Đặc biệt, các đơn vị có nợ đọng kéo dài trên 6 tháng sẽ bị tiến hành thanh tra đột xuất và đăng công khai danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của BHXH tỉnh.

Trường hợp đơn vị cố tình vi phạm, sẽ giao cơ quan BHXH là đầu mối phối hợp với Sở LĐTB-XH tỉnh thiết lập hồ sơ nợ, chuyển sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định. Ông Trần Sơn, Giám đốc BHXH tỉnh Long An, cho biết: cơ quan BHXH luôn ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho NLĐ; vì vậy cuối năm 2021, cơ quan BHXH đã phối hợp các đơn vị liên quan làm việc hết công suất để giải quyết chế độ cho NLĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19, cũng như các chế độ khác… với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Thời gian gần đây, cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều doanh nghiệp nợ BHXH. Trong quá trình kiểm tra, đã có một số doanh nghiệp đóng tiền “trả nợ BHXH” cả gốc lẫn lãi; riêng các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn đã làm các thủ tục hẹn trả chậm.  

Bà Lê Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, thông tin, tính đến ngày 30-4-2022, toàn tỉnh có hơn 2.900 đơn vị nợ BHXH, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp... với tổng số tiền hơn 276 tỷ đồng, làm hơn 147.300 NLĐ bị ảnh hưởng. Nhiều NLĐ đã ủy quyền tổ chức Công đoàn kiện doanh nghiệp đòi tiền bảo hiểm, nhưng đến nay chưa có vụ kiện nào được xét xử vì những bất cập trong quy định hiện hành.

Tại tỉnh Tiền Giang, số tiền doanh nghiệp nợ BHXH ít hơn, tính đến tháng 3-2022 có khoảng 60 tỷ đồng. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp nợ BHXH tiền tỷ, thậm chí lên đến 5-10 tỷ đồng và kéo dài. Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, cho biết, để giảm bớt khó khăn cho NLĐ bị doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm, tỉnh đã thực hiện cơ chế “treo”.

Theo đó, NLĐ làm việc trong doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm, khi chuyển đến đơn vị khác sẽ được đóng tiếp BHXH và được hưởng các chế độ bảo hiểm bình thường, còn tiền nợ bảo hiểm của doanh nghiệp cũ được tạm “treo” để giải quyết sau.

Tin cùng chuyên mục