Cứ A Hồng - bác sĩ của Mù Cang Chải

Hơn 30 năm gắn bó với vùng đất của danh thắng ruộng bậc thang Tây Bắc, bác sĩ Cứ A Hồng- Giám đốc Trung tâm Y tế Mù Cang Chải (Yên Bái) được bà con dân tộc vùng cao nơi đây yêu mến gọi là thầy thuốc của dân bản. Với bác sĩ Cứ A Hồng, niềm vui lớn nhất không phải là những tấm bằng khen, giấy khen, danh hiệu mà là nụ cười hạnh phúc của người bệnh khi được chăm sóc, chữa trị khỏi bệnh.

1. Những ngày cuối năm, dòng suối Nậm Kim vẫn êm đềm chảy qua thị trần Mù Cang Chải trong cái lạnh tê tái cắt da cắt thịt. Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải là một khu nhà 2 tầng hình chữ U khang trang, sạch sẽ nằm ngay bên dòng Nậm Kim. Lúc này cũng đã gần trưa nhưng các phòng khám, phòng bệnh ở đây vẫn còn khá đông người bệnh, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông tới khám bệnh hay chăm sóc người nhà.

Dù đã hẹn trước, nhưng khi tới, chúng tôi vẫn phải chờ bác sĩ Cứ A Hồng vì ông phải vào phòng mổ để xử lý một ca đẻ khó. Quá trưa ca mổ kết thúc, khi “mẹ tròn con vuông”, bác sĩ Hồng mới có chút thời gian nghỉ ngơi, trò chuyện với chúng tôi.

Nhớ lại lần đầu tiên gặp ông vào năm 2006 cũng tại Trung tâm Y tế Mù Cang Chải cho đến nay là hơn 13 năm, thời gian làm nhiều thứ thay đổi, giám đốc Hồng cũng già đi khá nhiều nhưng ở ông vẫn thấy một tác phong nhanh nhẹn, chân chất. “Y tế Mù Cang Chải vẫn còn khó khăn nhưng giờ đã khởi sắc hơn trước nhiều rồi. Bà con cũng đỡ đau ốm bệnh tật...”, bác sĩ Hồng bộc bạch.

Cứ A Hồng - bác sĩ của Mù Cang Chải ảnh 1 Bác sĩ Cứ A Hồng chăm sóc sức khỏe cho một trẻ sơ sinh non tháng tại Trung tâm Y tế Mù Cang Chải

Nếu trước đây, nhắc tới Mù Cang Chải, bất cứ ai cũng dễ dàng mường tượng ra một vùng đất rất xa xôi, hẻo lánh với muôn vàn khó khăn vất vả thì giờ đây, Mù Cang Chải đã là địa điểm du lịch nổi tiếng của Tây Bắc. Người dân địa phương không chỉ biết làm du lịch, phát triển kinh tế hộ gia đình mà mỗi khi đau ốm, bệnh tật, họ đã biết tới trạm xá, bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, kê đơn cho thuốc. 

Nằm cách Hà Nội hơn 360km, Mù Cang Chải là huyện vùng cao xa nhất của tỉnh Yên Bái. Cả huyện có hơn 60 ngàn dân với 12 dân tộc nhưng chiếm tới hơn 90% là người dân tộc Mông sống rải rác chủ yếu ở 116 thôn, bản của 13 xã và thị trấn. Mặc dù hiện nay, đường ô tô đã tới được trung tâm các xã nhưng nhiều khi vào mùa mưa chỉ có thể đi xe máy, hoặc đi bộ.

Tuy nhiên đường sá có xa xôi, hiểm trở thế nào cũng không cản được bước chân của bác sĩ Hồng đến với đồng bào ở tất cả thôn bản của Mù Cang Chải, kể cả những bản rất heo hút xa nhất như: Háng Tày, Háng Giàng và Tà Giông.

2. “Trước đây cuộc sống của đồng bào có nhiều hủ tục, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường sống. Mình là cán bộ y tế, người địa phương được ăn học đàng hoàng nếu không đến từng bản, vào từng nhà để cùng ăn, cùng ở với họ thì không thể vận động người dân từ bỏ, thay đổi được những hủ tục lạc hậu...”, bác sĩ Cứ A Hồng tâm sự.

Quả đúng, nếu như “ở dưới xuôi”, việc vận động người dân cho trẻ đi tiêm chủng, hay khi sinh đẻ phải tới trạm y tế xã đơn giản thì ở vùng cao, cán bộ y tế và chính quyền địa phương phải mất hàng năm trời mới thuyết phục, vận động người dân thay đổi được cách nghĩ.

Bởi cái lý của người Mông rất đơn giản: “Tiêm chủng làm con tao đau, nó khóc, nó nóng, tao không cho nó tiêm đâu” rồi “Đẻ tại nhà, tại nương bao đời nay có sao đâu”.

Thậm chí ngay cả khi thuyết phục, vận động được người dân đồng ý đưa trẻ tới trạm xá tiêm chủng nhưng lúc tổ chức cũng chẳng có mấy ai đến. Những lúc đó, cán bộ y tế nơi đây lại phải thay nhau đem vaccine trèo đèo, lội suối đến từng nhà để tiêm chủng cho trẻ nhỏ.

Không chỉ có vậy, người dân có hủ tục tổ chức đám ma kéo dài nhiều ngày mới đưa người chết đi chôn cất. Những lúc đó, bác sĩ Hồng lại cùng anh em trong trung tâm xuống từng nhà dân cùng với việc chia buồn là vận động thuyết phục bà con sớm chôn cất người đã khuất để bảo đảm vệ sinh môi trường.

3. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo khó Kim Nọi của Mù Cang Chải, trong một gia đình đông anh em và mẹ lại mất sớm, đến nay, bác sĩ Hồng đã có 36 năm gắn bó với y tế Mù Cang Chải và gần 20 năm ở vị trí giám đốc.

Thời gian giữ chức vụ dài vì để kiếm người thay thế ở nơi vùng sâu, vùng xa này là không dễ. Trung tâm Y tế Mù Cang Chải có hơn 15 bác sĩ với nhiều chuyên khoa khác nhau, nhưng bác sĩ Hồng vẫn là phẫu thuật viên chính, duy nhất có thể thực hiện được nhiều ca phẫu thuật phức tạp, nhất là lĩnh vực sản khoa.

Với đặc thù về địa lý nên y tế Mù Cang Chải rất thiếu bác sĩ. Để giải quyết được việc này, bác sĩ Hồng luôn chú ý dìu dắt, tận tình hướng dẫn, truyền đạt các kiến thức, kỹ năng có được cho cấp dưới theo phương châm “cầm tay chỉ việc” với mong muốn có nhiều người nối bước chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi đây.

Bác sĩ Hồng còn là thành viên của nhóm thiện nguyện “Thuốc viên nhân ái” với nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo để ủng hộ, chia sẻ giúp đỡ các gia đình người bệnh và người dân ở các xã, thị trấn Mù Cang Chải có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Đối với bác sĩ Hồng, điều ông luôn tâm niệm và muốn gửi gắm với thế hệ trẻ là đã chọn nghề y không chỉ cần giỏi chuyên môn mà phải có tâm và yêu nghề, đặc biệt, với bác sĩ vùng cao thì phải thấu hiểu phong tục tập quán của đồng bào. Chia tay với chúng tôi, ông tâm sự: “Ít nữa về nghỉ hưu nhưng còn sức lực mình vẫn sẽ tiếp tục giúp đỡ bà con Mù Cang Chải với mong ước lớn nhất là góp phần công sức của mình để bà con luôn được khỏe mạnh”.

Tin cùng chuyên mục