Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 6-6 và thảo luận tại phiên họp toàn thể ngày 20-6 tới. Đây là dự án luật được cử tri hết sức quan tâm vì gắn bó thiết thân với đời sống thường nhật. Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dành cho Báo SGGP cuộc trao đổi xung quanh dự án luật này.
- Phóng viên: Xin ông cho biết những thay đổi đáng kể nhất của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực so với trước đây?
- Ông LÊ QUANG HUY: Có nhiều thay đổi trong dự thảo luật nhưng tôi cho rằng có hai nội dung thay đổi đáng kể đó là quy hoạch phát triển điện và chính sách giá điện. Đặc biệt, thay đổi về giá điện và các loại phí có tác động sâu rộng đến quảng đại quần chúng, được đông đảo cử tri cả nước quan tâm. Liên quan đến quy hoạch có việc bỏ quy hoạch điện lực cấp huyện và xác định chu kỳ lập quy hoạch theo thời gian 10 năm, tầm nhìn 10 năm tiếp theo.
Liên quan đến chính sách giá điện, đó là theo cơ chế thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước. Bám sát dự thảo Luật Giá đang được Quốc hội thảo luận, báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Điện lực đề nghị Nhà nước định giá đối với những khâu độc quyền như truyền tải điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; cho phép cạnh tranh trong khung giá đối với một số khâu như phát điện, bán buôn, mức giá bán lẻ bình quân…
Giá bán lẻ điện sẽ được tính toán dựa trên mức giá bán lẻ bình quân do Nhà nước quy định. Đồng thời Nhà nước quy định cơ chế quản lý và điều chỉnh giá điện. Quy định giá điện theo hướng này tôi nghĩ rằng sẽ thu hút đầu tư vào phát triển điện lực và kiểm soát được giá điện, hạn chế tình trạng độc quyền.
- Sự thiếu đồng bộ giữa dự thảo Luật Giá và dự thảo Luật Điện lực về vấn đề giá điện như vậy đã được giải quyết, thưa ông?
- Hai luật này có sự tương tác qua lại. Luật Giá định ra nguyên tắc, định hướng chung liên quan đến giá. Ngoài mặt hàng điện, Luật Giá còn điều chỉnh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác. Dự thảo Luật Điện lực thống nhất với nguyên tắc, định hướng trong Luật Giá nhưng đồng thời sẽ có những quy định chi tiết, cụ thể hóa. Tôi cho rằng hai dự thảo luật trình lần này có tiếng nói chung.
- Nhưng từng có ý kiến tại UBTVQH cho rằng dự thảo Luật Điện lực đặt ra nhiều loại giá và phí quá rắc rối, có thể làm cho cách tính trở nên phức tạp, đồng thời làm người sử dụng điện có cảm giác họ phải chi trả nhiều hơn?
- Đúng là nếu đặt ra quá nhiều loại giá và phí rất dễ có xu hướng giá điện bị gia tăng, đặc biệt khi ta chưa có thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Vì giá có nguyên tắc bù đắp chi phí và lợi nhuận. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng nếu liệt kê rõ ràng, công khai, minh bạch các khoản chi phí cơ cấu hình thành nên giá điện, từ sản xuất, truyền tải đến phân phối thì cơ quan quản lý và người sử dụng càng dễ dàng giám sát việc tính toán giá điện có hợp lý hay không. Trong hóa đơn thanh toán tiền điện ở nhiều quốc gia tôi thấy họ liệt kê cơ cấu giá điện, rất chi tiết, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho việc giám sát và sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội.
- Việt Nam vừa bị đánh tụt 8 bậc trong báo cáo “Môi trường kinh doanh 2012” của Ngân hàng Thế giới (WB), xếp vị trí thứ 98 trong tổng số 183 nước được xếp hạng. Theo báo cáo này, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam bị sụt giảm trong năm nay có một nguyên nhân quan trọng là Việt Nam đã thất bại trong việc cải thiện hệ thống điện. Ông có bình luận gì?
- Tôi chưa nghiên cứu thật kỹ bản báo cáo của WB nhưng được biết tiếp cận nguồn điện chỉ là 1 trong 10 yếu tố đánh giá môi trường kinh doanh quốc gia. So với báo cáo năm 2011, ở báo cáo năm nay, mức thay đổi trong yếu tố tiếp cận nguồn điện là 0. Như thế nguyên nhân tụt hạng cần được xem xét kỹ hơn, phải xem xét 9 yếu tố còn lại. Nhưng đúng là chúng ta đang phải đối diện với một bài toán khó, khi một mặt muốn giữ giá điện ổn định, đồng thời lại có đủ điện để sử dụng và phát triển sản xuất. Giá điện của ta chưa tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất, như thế không thể thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nguồn cung điện chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu.
Lần này, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực xác định chính sách giá điện “theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Lộ trình cho thị trường điện cạnh tranh cũng đã được xác định, theo đó từ năm 2005 đến năm 2014 là giai đoạn chuẩn bị và phát điện cạnh tranh; từ năm 2015 đến 2022 sẽ bán buôn cạnh tranh và sau năm 2022 sẽ bán lẻ điện cạnh tranh. Với chính sách và lộ trình này tôi hy vọng việc tiếp cận nguồn điện đối với các doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn.
- Lâu nay TKV than thở họ phải bán than dưới giá thành cho ngành điện, rồi sự thua lỗ nợ nần của ngành điện được cho là do phải thực hiện những nghĩa vụ công ích… Làm sao có thị trường cạnh tranh nếu vẫn còn tất cả những điều đó?
- Việc bù chéo giữa các doanh nghiệp đúng là cần phải chấm dứt, cũng như cần phải tách bạch rõ ràng giữa hoạt động sản xuất kinh doanh và trách nhiệm xã hội, hoạt động công ích. Những hoạt động này phải do Nhà nước thực hiện bằng các chính sách riêng biệt khác. Như thế mới có cạnh tranh thực sự và doanh nghiệp cũng không thể vin vào đó để bào chữa cho những yếu kém của mình.
- Còn khối nợ khổng lồ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam? Nếu hạch toán vào giá bán điện, người tiêu dùng có chịu nổi không?
- Hạch toán ngay lập tức trong một thời gian ngắn thì giá điện sẽ tăng rất cao, người tiêu dùng sẽ không chịu nổi. Một trong những nguyên tắc định giá điện là khả năng chi trả của người tiêu dùng. Nhưng cần có lộ trình để làm việc này. Và khi đã xác định đến năm 2022 bán lẻ cạnh tranh điện thì muộn nhất là lúc đó phải làm xong.
- Dự thảo luật đã đề cập đến những nguồn năng lượng tái tạo khác chưa, thưa ông?
- Dự thảo có đề cập, nhưng theo tôi là chưa tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề này. Dự thảo chỉ quy định trong phần quy hoạch điện, “có tính đến” nguồn năng lượng tái tạo. Quy định như vậy không chặt chẽ, giá trị ràng buộc pháp lý rất thấp. Dự thảo luật cần khẳng định rõ hơn, cụ thể hơn đối với nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường. Trong tương lai, có thể cần tính đến việc xây dựng luật riêng về năng lượng tái tạo.
- Cảm ơn ông!
ANH THƯ (thực hiện)