Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Văn Vũ cho hay, trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu. Nếu cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Ngày 18-4, HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề "Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 – Ngày hội của toàn dân".

Chương trình có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Trong chương trình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, nhiệm kỳ 2021-2026, TPHCM tập trung bầu cử ĐBQH, ĐB HĐND TPHCM, TP Thủ Đức, 5 huyện và 63 xã, thị trấn. TPHCM không tổ chức HĐND ở quận, phường nên 215 phường của 16 quận chỉ bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND TPHCM. Trong đó, TPHCM có 10 đơn vị bầu cử ĐBQH với số lượng ĐB được bầu là 30 ĐB; có 32 đơn vị bầu cử ĐB HĐND TPHCM để bầu ra 95 ĐB. Số lượng ĐB HĐND TP Thủ Đức được bầu là 40 ĐB và ĐB HĐND 4 huyện (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè) được bầu 35 ĐB, riêng huyện Cần Giờ bầu 30 ĐB. Số lượng ĐB HĐND các xã, thị trấn thuộc 5 huyện được bầu không quá 30 ĐB.

Về công việc trọng tâm từ nay đến ngày bầu cử (ngày 23-5), bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho hay, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba vừa tổ chức vào ngày 17-4, thì chậm nhất trong ngày 18-4, danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH của TPHCM sẽ được gửi Hội đồng bầu cử quốc gia; danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử viên ĐB HĐND TPHCM, ĐB HĐND TP Thủ Đức, 5 huyện và 63 xã, thị trấn sẽ được gửi đến Ủy ban bầu cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên và Ủy ban bầu cử cùng cấp.

Chậm nhất ngày 28-4, Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH. Chậm nhất ngày 3-5, Ủy ban bầu cử TPHCM công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH tại TPHCM theo đơn vị bầu cử; các tổ bầu cử niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND ở khu vực bỏ phiếu. Và từ ngày 13-5, tổ bầu cử thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu.

Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay ảnh 1 Các đại biểu tham gia chương trình Lắng nghe và trao đổi về "Bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 - Ngày hội của toàn dân"

Về thời gian bỏ phiếu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Nguyễn Văn Vũ cho hay, việc bỏ phiếu được tiến hành liên tục, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối ngày 23-5, có thể sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày.

Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu ĐBQH và bỏ một phiếu bầu ĐB HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND. Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay. Trường hợp cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri.

Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào thùng phiếu. Nếu cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM NGUYỄN VĂN VŨ:


Nguyên tắc lập danh sách cử tri

Tất cả công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri (chỉ một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú) và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp theo quy định của Luật bầu cử.

Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri.

Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.


Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU:


Những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri

Về việc lập danh sách cử tri thì mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ những người không được ghi tên vào danh sách cử tri. Đó là người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Những trường hợp sẽ bị xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri là: người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; người mất năng lực hành vi dân sự. 

Nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.


Tin cùng chuyên mục