Dịch SARS cách đây hơn 10 năm là một bài học quá đắt đối với chính phủ Trung Quốc về bưng bít thông tin và hậu quả của nó đã trả một giá rất đắt với khoảng 10% trong tổng số 8.000 người nhiễm trên toàn thế giới phải thiệt mạng (theo Reuters). Với diễn biến vừa qua đối với dịch cúm gà H7N9, dư luận một lần nữa đã đặt câu hỏi tại sao chính phủ Trung Quốc lại phản ứng quá chậm khi phải đợi đến 6 tuần sau mới công bố những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên.
Chưa thuộc bài học từ dịch SARS
Những ngày này, báo chí Trung Quốc bắt đầu đặt vấn đề tại sao phải một thời gian dài chính phủ Trung Quốc mới quyết định công bố các ca nhiễm đầu tiên trong khi thực tế họ bị nhiễm từ cuối tháng 2. Theo Tân Hoa Xã, trong số hai ca nhiễm H7N9 đầu tiên vào tháng 2, một người đàn ông nhiễm bệnh vào ngày 19-2 và sau đó chết vào ngày 27-2, bệnh nhân xấu số còn lại được xác định là nhiễm bệnh vào ngày 27-2 và chết vào ngày 4-3. Nhưng phải đến ngày 31-3, nhà chức trách Trung Quốc mới công bố về hai trường hợp tử vong này.
Trung tâm của dịch bệnh H7N9 lần này tập trung tại Thượng Hải, một trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Với hàng trăm phòng xét nghiệm y tế và thú y, các quan chức y tế và các nhà khoa học phương Tây đặt vấn đề tại sao Thượng Hải lại không phát hiện vấn đề sớm hơn hoặc nếu có thì tại sao dịch bệnh không được tiết lộ sớm. Tiến sĩ Juan Lubroth, chuyên gia thú y của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), nghi ngờ các chuyên gia thú y Trung Quốc chỉ tập trung vào các cách thức xét nghiệm virus H5N1 và một khi tập trung vào kết quả xét nghiệm H5N1, sẽ không phát hiện virus H7N9.
Hiện có 2 cách để phát hiện virus cúm gia cầm. Cách thứ nhất được sử dụng rộng rãi và dễ thực hiện là xét nghiệm kháng thể trong huyết thanh hoặc huyết tương của gia cầm. Cách thứ hai tốn kém hơn và các xét nghiệm được thực hiện để cô lập virus và chỉ thực hiện tại một vài phòng thí nghiệm lớn ở Trung Quốc. Câu hỏi quan trọng là liệu các kỹ thuật viên chuyên thực hiện các xét nghiệm cúm gia cầm H5N1 trong 16 năm qua đã hiểu sai, hoặc không đánh giá đúng tầm mức, bỏ qua hoặc quyết định không công bố bất kỳ phát hiện trường hợp nhiễm virus H7N9 nào.
Theo Tiến sĩ Malik Peiris, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cúm tại ĐH Hồng Công, có một thách thức khác nữa là việc phát hiện ra căn bệnh này ở gia cầm có phần khó hơn vì không giống như người, gia cầm nhiễm virus H7N9 để lộ rất ít triệu chứng. Cũng có ý kiến quan ngại rằng các chuyên gia Trung Quốc có thể bước đầu đã không phát hiện được loại virus này bởi cách chống virus H5N1 năm 2004 – 2005 của họ : tiêm chủng gia cầm hàng loạt trên phạm vi cả nước. Lợi thế của cách tiêm chủng này là giảm số lượng virus trong một con gia cầm bị nhiễm. Tuy nhiên, điểm cực kỳ nguy hiểm là gia cầm sẽ phát triển kháng thể chống lại virus, do đó các xét nghiệm huyết thanh trở nên không đáng tin cậy.
Các quan chức của Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc cho đến nay vẫn im lặng trước câu hỏi về chi tiết các cách thức xét nghiệm phát hiện virus H7N9 trên bệnh nhân.
Thế giới chuẩn bị nếu H7N9 thành đại dịch
Tính đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 33 trường hợp nhiễm virus H7N9, trong đó 9 bệnh nhân đã tử vong. Trong một nỗ lực nhằm đối phó khẩn cấp với dịch cúm H7N9, Trung Quốc đã chính thức khởi động dự án nghiên cứu phát triển vaccine kháng virus này. Dự án trên sẽ do Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc và Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa Gia đình quốc gia phối hợp triển khai, dư kiến sẽ có thể được bào chế thành công trong vòng 7 tháng tới. Trong lúc này, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở Atlanta (Mỹ) cũng đã bắt đầu khởi động chuẩn bị các hoạt động khẩn cấp trong tuần này và nhiều chính phủ trên thế giới cũng đã bắt đầu chuẩn bị trong trường hợp xảy ra đại dịch cúm.
Ngày 11-4, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho rằng chủng virus cúm gia cầm H7N9 gây chết người ở miền Đông Trung Quốc có thể lây từ chim hoặc các động vật khác sang người. Hai nhóm nghiên cứu đã phân tích chuỗi gien và các đặc tính của virus cúm H7N9 trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ bốn bệnh nhân nhiễm virus này. Cả hai nhóm cùng phát hiện rằng sự đột biến gien khiến chủng cúm này dễ lây nhiễm sang người qua màng nhầy ở mũi và cổ họng. Các nhà khoa học đã nhận dạng được các chủng virus qua cấu trúc gien khác biệt của chúng. Giáo sư Kawaoka Yoshihiro thuộc trường Đại học Tokyo khẳng định không thể có chuyện bốn bệnh nhân cùng bị nhiễm bệnh từ một nguồn lây bệnh và virus này có thể lây lan từ chim và các động vật khác.
Xuân Hạnh (Tổng hợp)
- Thông tin liên quan:
>> Chuẩn bị sẵn sàng đối phó cúm A/H7N9
>> Chính thức có phác đồ điều trị cúm A/H7N9
>> Sẵn sàng ứng phó dịch cúm A/H7N9
>> Khẩn cấp phòng chống virus cúm A/H7N9
>> Chim di trú mang virus H7N9 đến Trung Quốc
>> Trung Quốc thông qua thuốc mới điều trị cúm gia cầm H7N9
>> Trung Quốc dồn toàn lực ngăn chặn virus cúm H7N9
>> Trung Quốc đóng cửa các chợ gia cầm lớn