Cuộc đua sát nút

Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Israel khóa 20, diễn ra hôm nay 17-3, cho thấy các ứng cử viên vẫn đang bám đuổi sát nút và chưa có ai thực sự vượt trội.

Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Israel khóa 20, diễn ra hôm nay 17-3, cho thấy các ứng cử viên vẫn đang bám đuổi sát nút và chưa có ai thực sự vượt trội.

Theo khảo sát của tờ Ma’ariv, đảng Lao động của ông Isaac Herzog được 25 ghế, theo sát là đảng cầm quyền Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu với 21 ghế. Thăm dò của báo Yediot Aharonot công bố ngày 13-3 cho thấy Công đảng được 26 ghế và đảng Likud được 22 ghế. Khoảng 72% cử tri được hỏi ý kiến nói rằng họ “muốn một sự thay đổi” và không quan tâm ai sẽ là thủ tướng mới của Israel, miễn không phải ông Netanyahu. Tuy nhiên, có khoảng 48% cử tri được hỏi muốn ông Netanyahu tiếp tục làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ.

Các nhà phân tích tình hình Trung Đông cho rằng ông Netanyahu đang phải đối mặt với một loạt vấn đề và thách thức có thể đe dọa đến cơ hội thành công trong việc xây dựng một chính phủ kế tiếp. Tình hình trên diễn ra bất chấp việc xã hội Israel liên tục hướng tới cánh hữu và cánh hữu cực đoan. Một trong những khó khăn nổi bật nhất mà chính phủ của Netanyahu sẽ phải đối mặt trong thời gian diễn ra bầu cử, đó là một mặt quan hệ giữa ông Netanyahu và Mỹ tiếp tục căng thẳng, tiến trình chính trị với chính quyền Palestine tiếp tục bế tắc; mặt khác, trào lưu công nhận nhà nước Palestine tiếp tục gia tăng ở châu Âu tại các quốc hội hay các chính phủ. Việc thừa nhận nhà nước Palestine làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ giữa châu Âu-Israel và gia tăng khả năng châu Âu áp đặt các trừng phạt nghiêm khắc đối với việc Israel xây dựng các khu định cư tại những khu vực chiếm đóng. Dự đoán rằng Palestine và các nước Arập sẽ thúc đẩy các hoạt động ở Hội đồng Bảo an nhằm thông qua nghị quyết chấm dứt các hành động chiếm đóng của Israel và tiến hành thành lập nhà nước Palestine trong 2 năm. Có thể là quốc tế sẽ gia tăng áp lực và cô lập Israel và cũng có thể là sự suy giảm của nền kinh tế Israel cùng chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng đến vận may của ông Netanyahu trong việc thành lập chính phủ mới. Bên cạnh đó, ông Netanyahu đang đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng trong nội bộ đảng Likud. Đảng này đang thay đổi nhiều về cơ cấu bởi số lượng các thành viên cánh hữu cực đoan thế tục, các nhân vật tôn giáo có tư tưởng phát xít và định cư cực đoan gia tăng trong hàng ngũ của đảng này. Những đảng viên cực đoan và có tư tưởng phát xít đã bắt đầu có ảnh hưởng sâu rộng trong nội bộ đảng Likud vì họ có tổ chức, cũng như số lượng thành viên đông. Tình trạng này dẫn đến đảng Likud đánh mất bản chất cánh hữu tự do vốn có.

Hiện đang có nhiều yếu tố gây tác động đến thái độ của cử tri Israel trong cuộc bầu cử quốc hội, mà trước hết đó là các yếu tố mang tính ý thức hệ, tôn giáo, giai cấp và cơ cấu danh sách tranh cử, trong đó có việc ai là người đứng đầu danh sách, chương trình tranh cử, những thành tích hay những điểm hạn chế của những người trong danh sách đó trong chính phủ liên minh. Thành công của các đảng phái cũng dựa trên mức độ khả năng lôi kéo quần chúng, những người ủng hộ và các thành phần xã hội đến các hòm phiếu bầu cử. Bên cạnh đó, chương trình tranh cử cũng gây tác động đến thái độ cử tri Israel. Dự kiến các vấn đề kinh tế, xã hội sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc tranh cử tới đây do chi phí sinh hoạt đang gia tăng chóng mặt, nhất là các thực phẩm cơ bản và giá cả các căn hộ chung cư. Và cũng dự kiến là vấn đề Palestine sẽ tự nó gây tác động đối với cử tri Israel do tình hình nóng bỏng ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Tình hình nóng bỏng đó đã chứng tỏ là không thể để nó tiếp diễn như hiện nay bởi nó có thể nổ ra bất cứ lúc nào và vấn đề Palestine còn gây tác động ở tầm quốc tế.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục