Cuộc đua tên lửa và hạt nhân

Việc Triều Tiên mới đây chìa “nhành ô liu” với Hàn Quốc không xoa dịu được cuộc khủng hoảng an ninh ở Đông Bắc Á. Theo các chuyên gia, khu vực này vẫn đang lao vào cuộc chạy đua trang bị tên lửa phòng thủ, tên lửa tấn công. 
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp quan sát vụ phóng tên lửa đạn đạo
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp quan sát vụ phóng tên lửa đạn đạo

Nhiều nhà lãnh đạo quân sự Mỹ cho rằng, việc Triều Tiên đồng ý tham gia Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc là cách Bình Nhưỡng “mua thời gian” để thực hiện các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của họ.

Chính vì vậy, các nước trong khu vực không thể ngồi yên. Vào tháng 12-2017, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành một số cuộc thử nghiệm đầu tiên tên lửa Stinger và Hellfire được phóng từ máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache Guardian. Theo Asia Times, máy bay trực thăng phóng tên lửa không phải là cách tấn công tốt nhất nhưng các trực thăng tấn công được trang bị tên lửa không đối không có ảnh hưởng quan trọng trong không chiến và có khả năng tạm thời thay thế cho các hệ thống đánh chặn tên lửa khá tốn kém và mất nhiều thời gian triển khai.

Nga đang cân nhắc hành động khi quan sát các động thái quân sự của Mỹ và các đồng minh nhắm vào Triều Tiên. Các lực lượng không quân Nga và Trung Quốc đã cùng nhau tập trận tên lửa ở Đông Bắc Á. Những cuộc tập trận cho thấy vai trò quyết đoán hơn với không lực Nga và Trung Quốc trong khu vực. 

Không chỉ ở Đông Bắc Á, trên khắp thế giới, hàng loạt quốc gia đã phô trương các giàn tên lửa hiện đại với tầm bắn ngày càng xa. Theo báo Pháp Le Figaro, Iran đang phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và cung cấp tên lửa cho đồng minh quan trọng của họ là lực lượng Hezbollah tại Lebanon và quân nổi dậy sắc tộc Houthi ở Yemen. Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa đất đối không S-400 của Nga, dù không phù hợp với hệ thống của NATO. Bất chấp các nỗ lực chống phổ biến vũ khí của cộng đồng quốc tế, vũ khí hạt nhân vẫn khá được ưa chuộng và phát triển. Các cường quốc mới trỗi dậy tự nhủ rằng vũ khí hạt nhân (và cả tên lửa đi cùng) vẫn là lựa chọn tốt nhất để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và duy trì sự tồn tại của chế độ. Cuộc chạy đua phổ biến vũ khí liên quan tới cả các loại tên lửa thông thường, tầm ngắn và tầm xa. Việc nhiều nước ở Trung Đông và cửa ngõ châu Âu nắm trong tay công nghệ tên lửa đã đặt ra vấn đề thực sự cho các quân đội của phương Tây.

Việc Nga chuyển các giàn phóng tên lửa đất đối không S-300 và S-400 tới Kaliningrad, Belarus và Đông Địa Trung Hải, mới đây nhất là Crimea đang đặt ra cho các cường quốc phương Tây một vấn đề mới về chiến lược chống tiếp cận. Sau khi triển khai ở Syria để tạo ra một vùng đệm bảo vệ các căn cứ của Nga cũng như các địa điểm chiến lược của chính quyền Bashar al-Assad, các hệ thống vũ khí này đã thu hẹp phạm vi hành động của lực lượng không quân trong liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ đứng đầu.

Trong bài báo số ra tháng 12-2017 của tạp chí Harper, Theodore Postol, nhà vật lý thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và là chuyên gia phòng thủ tên lửa mô tả một trụ cột chính trong phòng thủ tên lửa của Mỹ trên đất liền (GMD) hiện nay đã được triển khai tại Alaska và California là một “thất bại”. Ông Postol nhấn mạnh rằng “GMD đã thất bại 55% kể từ khi ra mắt vào năm 2004”.

Tin cùng chuyên mục