Rất nhiều chuyên gia phương Tây mô tả cuộc chạy đua tìm kiếm năng lượng ở Trung Á thời kỳ hậu Xô Viết là “trò chơi lớn” mà ở đó Nga và Mỹ là 2 “nhân vật” chính. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua ở khu vực Trung Á hiện nay, nước đang dẫn đầu là Trung Quốc chứ không phải là Nga hay Mỹ. Trong bài phân tích của tiến sĩ Daly sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về tình hình cạnh tranh khai thác năng lượng tại khu vực giàu tài nguyên này.
Đối với một nhà quan sát khách quan, thực tế cho thấy trong cuộc chạy đua khai thác nguồn dầu khí, thiết lập căn cứ quân sự và gây dựng ảnh hưởng ở Trung Á giữa Nga và Mỹ đã xuất hiện một nhân tố bất ngờ đối với tất cả các bên, đó là Trung Quốc. Đối thủ bị đánh giá thấp này lặng lẽ xuất hiện và mang về nước rất nhiều tài sản của khu vực. Có rất nhiều lý do để giải thích cho điều này.
Với Nga, Tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga Gazprom hiện sở hữu hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên phức tạp ở Trung Á (SATS), chạy từ Turkmenistan, qua Uzbekistan và Kazakhstan để tới Nga. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, cơ hội duy nhất để Trung Á xuất khẩu năng lượng là thông qua sự kiểm soát của Nga, phải bán khí đốt cho Tập đoàn Gazprom của Nga với giá rẻ. Và đâu là đích đến của khí đốt tự nhiên Trung Á. Châu Âu, đương nhiên. Năm 2008, Gazprom bán cho Liên minh châu Âu (EU) gần 170 tỷ m3/tổng sản lượng 550 tỷ m3. Lượng khí đốt Gazprom sản xuất hiện chiếm 17,3% lượng khí đốt tự nhiên cho toàn cầu và 85% lượng khí đốt tự nhiên ở Nga.
…Còn đối với Mỹ, quốc gia này xuất hiện ở khu vực Trung Á sau năm 1991, trong tay là những cuốn séc và các bài thuyết giảng về dân chủ và nhân quyền. Washington cũng quyết tâm không kém Mátxcơva chạy đua trong các cuộc mặc cả mua năng lượng ở Trung Á với giá rẻ. Thực tế trên khiến các quốc gia Trung Á không bằng lòng với cả Nga lẫn Mỹ.
Đúng lúc đó, Trung Quốc xuất hiện với tiền mặt trao tay mà không kèm theo các bài giảng khó chịu về thể chế chính trị hay nhân quyền. Ngày 14-12-2009, Trung Quốc và Turkmenistan chính thức khai trương đoạn đầu tiên của đường ống dẫn khí dài 1.822km với công suất vận chuyển 40 tỷ m3 khí đốt tự nhiên/năm. Dự án do Tập đoàn Dầu khí quốc doanh (CNPC) lớn nhất của Trung Quốc tài trợ. Kể từ đó, dự án trên đã được mở rộng để vận chuyển khí đốt từ Uzbekistan và Kazakhstan tới Trung Quốc. Rất nhiều tuyến đường ống khác từ khu vực Trung Á hướng tới Bắc Kinh hiện cũng đang được xây dựng.
Một bài học đơn giản có thể rút ra được từ câu chuyện trên, đó là một Bắc Kinh với tiền mặt trong tay và sẵn sàng ký các hợp đồng đôi bên cùng có lợi, sẽ được chào đón hơn là một Điện Kremlin đang hy vọng có được sự kính nể sau khi có tầm ảnh hưởng nhất định tại khu vực trong hơn một thế kỷ, hay một Phố Wall tìm cách kiếm lợi nhuận trên lưng người dân địa phương trong khi vẫn rao giảng cho họ về thị trường tự do và dân chủ. Cuộc chạy đua tìm kiếm năng lượng ở Trung Á vẫn còn xa mới về đích, nhưng ở thời điểm hiện nay người Trung Quốc đang dẫn đầu.
ĐỖ VĂN