Cuối năm lại lo thực phẩm bẩn

Vấn đề thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn mặc dù không mới, song đây vẫn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng Việt, nhất là vào dịp cao điểm tiêu dùng cuối năm. 
Người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm sạch, có nguồn gốc
Người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm sạch, có nguồn gốc

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều loại hình kinh doanh trực tuyến nở rộ với nhiều hội, nhóm bán hàng xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng. Chẳng hạn, chỉ cần gõ cụm từ “thịt bò tươi” trên Google, chưa đầy 2 giây đã ra trên 25 triệu kết quả tìm kiếm, từ giá thành, chủng loại cho tới địa chỉ bán… Đáng nói, hàng hóa từ những nơi này đều không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, mã vạch theo quy định. Nhiều sản phẩm, chẳng hạn như thịt bò chỉ được hút chân không trong khay nhựa mà không có bất kỳ thông tin nào về ngày sản xuất hay hạn sử dụng.

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng thì môi trường mua bán online cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, nhất là với mặt hàng thực phẩm. Cụ thể, thống kê từ lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước, chỉ trong tháng 11-2021 đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chẳng hạn đầu tháng 11-2021, lực lượng QLTT tỉnh Nghệ An đã phát hiện lô hàng 650kg sườn heo đã bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ hợp pháp liên quan đến lô hàng và giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng. Tại Lạng Sơn, vào ngày 18-11, Đội QLTT số 6 đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh thực phẩm tại Thửa 256 (đường Đoàn Thị Điểm, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) và phát hiện 14 mặt hàng với gần 400 đơn vị sản phẩm là thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn do nước ngoài sản xuất; toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Tại Hà Nội, ngày 11-11, Cục QLTT Hà Nội và Cục QLTT Bắc Ninh đã phối hợp kiểm tra thực tế tại 2 địa điểm kinh doanh ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) và TP Từ Sơn (Bắc Ninh), phát hiện các cơ sở đang sản xuất sa tế theo hình thức không khép kín. Qua kiểm tra, lực lượng đã thu giữ hơn 28.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh làm rõ.

Theo đại diện của Tổng cục Quản lý thị trường, để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, các đối tượng vi phạm dùng mọi thủ đoạn như chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, tách các công đoạn vi phạm; vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet... Những thủ đoạn này đang gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường. 

Trong khi đó, mùa Tết Nguyên đán đang cận kề cũng là mùa kinh doanh sôi động nhất năm nên lợi dụng điều này, một số đối tượng sẽ trà trộn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, không rõ nguồn gốc để tuồn ra thị trường tiêu thụ. Để bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nhâm Dần 2022 với việc tập trung cao độ kiểm soát thị trường, tập trung các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Thực hiện chủ trương, lực lượng QLTT TPHCM đã triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2021. Theo đó, sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm, cận tết như bánh mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, đường, sữa, giò chả, các loại gia vị, chất phụ gia, thực phẩm chế biến. Quá trình kiểm tra sẽ đặc biệt chú ý tới những trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa “3 không” (không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng), hàng hóa kinh doanh trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng lưu ý người tiêu dùng chỉ mua sản phẩm ở những điểm kinh doanh uy tín, kiểm tra kỹ thông tin nhãn mác, bao bì sản phẩm và nói không với những sản phẩm “3 không” để bảo vệ sức khỏe của người thân, gia đình.

Tin cùng chuyên mục