“Rừng thiêng nước trong”

Cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng về đề tài chiến tranh

Cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng về đề tài chiến tranh

Mấy năm trở lại đây tiểu thuyết khai thác đề tài từ cuôc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vẫn túc tắc ra mắt, giống như nỗi khắc khoải, trăn trở của người cầm bút với khoản nợ không biết khi nào mới trả cho xong. Người viết hoặc vẫn đeo đẳng ước mong phác dựng một bức tranh toàn cảnh, một thiên tráng ca về những điều mắt thấy tai nghe, hoặc muốn “mượn xưa nói nay”.

Trên cả hai bình diện ấy vẫn thấy rõ sự đuối hụt của người viết về sức khái quát, về độ tinh lọc những gì sống trải, dù đã có quá đủ độ lùi về thời gian. Hậu quả là điều viết ra vừa dài dòng, vừa nặng nề, lại không rút chân khỏi căn bệnh cố hữu: lấy người để minh hoạ việc, lấy chất ký để che lấp chất truyện...

Cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng về đề tài chiến tranh ảnh 1

Cuốn tiểu thuyết của Trần Văn Tuấn.

Với sự câu thúc của nghề làm báo, lại cũng như đã ý thức được sự mệt mỏi, ngại ngần khi ngồi trước trang viết của một tác giả đã có tới vài chục tập tiểu thuyết, truyện ngắn trong tay, đọc từng trang từng trang “Rừng thiêng nước trong” cảm nhận ngay được Trần văn Tuấn viết cuốn sách này rất nhanh, viết một hơi một mạch, viết khi thi hứng chợt đến như đang trong cơn nhập đồng.

Khi chọn lựa đích tới là thể tiểu thuyết - mà viết được như những gì như đã viết – nhà văn đã phải vượt qua một loạt trở ngại không dễ dàng gì. Trước hết “Rừng thiêng nước trong” không có sự kiện xuyên suốt, không có mâu thuẫn trục để đấy tới những nút kịch. Thời gian được miêu tả là những tháng địch phản kích ta sau Đợt 2 của Trận Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Địa bàm nơi xẩy ra hành động là nơi cửa ngõ Sài gòn, giữa vùng Tám giác sắt Bình dương – Củ chi –Tây Ninh.

Đối tượng miêu tả là những người cán bộ chiến sỹ của một đơn vị hậu cần tại chỗ, đảm trách những công việc cũng rất đỗi bình thường như “móc hàng” (gạo, đường, sữa, thuốc men…) từ các đô thị bị địch chiếm đóng để cung cấp cho các đơn vị chủ lực; vận chuyển thương bệnh binh từ tuyến trước ra tuyến sau, đánh địch, giành dân với địch để giữ được các “chân hàng” đó... Chúng ta đã có sách về Binh đoàn vận tải Trường Sơn, về những đoàn tầu không số, về những đơn vị bảo đảm cầu, phà trong chiến tranh...

Còn với chiến công của các đơn vị “hậu cần nhân dân” như thế này -ngay từ thời còn chiến tranh ngòi bút của các nhà báo, nhà văn đều như né tránh với lý do vì chiến tích của họ quá khiêm nhường, nhỏ bé, quá lẩn khuất, lút chìm trong các chiến công khác. Đây cũng nên tính là một cái khó nữa cho thể loại tiểu thuyết. Trong “Rừng thiêng nước trong” còn không có tuyến nhân vật chính, phụ; không chơi phân tuyến ta-địch. Bản thân đề tài lại yêu cầu phải có rất đông nhân vật, không nhân vật nào được lấp ẩn phía sau lưng nhân vật khác, mỗi nhân vật đều yêu cầu được làm sáng tỏ “lý lịch trích ngang”, “động cơ chiến đấu”… Lại thêm một thách đố nữa với nhà văn…

Kể ra từng ấy khó khăn, thử thách đối với người viết để đi tới khẳng định khâu thành công đầu tiên của “Rừng thiêng nước trong” là năng lực tổ chức tài liệu.Đành rằng tiểu thuyết có chia làm chương hồi, nhưng chương hồi ở đây không đóng vai trò cái khung của kết cấu, chỉ như để bộc lộ một thi tứ, ấy thế mà tiểu thuyết không đứt mạch, các mối liên kết của sự kiện và nhân vật với nhau khá khúc triết, rành rõ. Cũng lại thấy được tính kịch của những xung đột càng về những chương cuối càng tăng lên, trở thành một trong những nguyên nhân sức hấp dẫn của cuốn sách. Nói không quá thì chỉ non tay một chút, mọi điều được miêu tả hoặc trở nên lờ mờ, tẻ nhạt, hoặc ngược lại sẽ rối tung, lẫn bết vào nhau, làm mệt sức theo dõi của người xem.

Một mặt mạnh khác của “Rừng thiêng nước trong” là tác giả đã tạo được một loạt nhân vật không ai giống ai, mỗi người một hoàn cảnh, một xuất xứ, một kiểu ăn nói, một cung cách hành xử riêng đạt tới độ tính cách hoá từng con người một. Cán bộ phụ trách thì có Hai Lu, Sáu Đặng..Chiến sỹ thừa hành là những Hai Bé, Út Tửng, “Một tiếng”, “Tay thép”, “Dũng sáp” … Ngay những nhân vật nữ thì cũng mỗi người một vẻ như Ngân, Năm Hường, chị Tám..Đành rằng tất cả đều là dân Miền Đông, mang rõ tính bộc trực, ngang tàng kiểu võ hiệp của người dân vùng đất này như chúng ta đều biết. Đành rằng khi phác dựng tính cách các nhân vật tác giả đã sử dụng khá thành thục phương pháp vẽ tranh quốc hoạ của Trung quốc với những nét chấm phá, độ đậm nhạt khác nhau…

Nói vậy nhưng không thể không đồng ý với nhau nguyên nhân chủ yếu làm nên thành công của cuốn sách về phương diện này chính là ở chỗ tác giả đã huy động toàn bộ kỷ niệm vào sống ra chết của bản thân với vùng đất này, với những nguyên mẫu có thật của những Hai lu, Sáu Đặng, Út Tửng, “Một tiếng”, “Tay thép”… để phả hơi thở cho từng nhân vật, cho mỗi trang sách. Không có trí tưởng tượng nào, không có bút lực và bút pháp nào để tạo nên được tính hấp dẫn, độ tin cậy, sức khơi gợi niềm thương yêu, rung động với các sự kiện và các nhân vật được miêu tả đến như thế!

Cũng không thể không nhắc tới tính dân dã, mộc mạc mà đậm đà trữ tình in đậm chất Nam bộ trong cung cách quan sát, trong việc gạn lọc chất liệu để tạo chuyện, dựng nhân vật, trong bản thân cung cách dẫn chuyện, kể chuyện của tác giả “Rừng thiêng nước trong”. Miêu tả những ngày tháng khốc liệt, trong những hoàn cảnh đầy kịch tính nhưng từng chương, từng đoạn cứ như treo lơ lửng giữa cái bi và cái hài, giữa chất văn xuôi dữ dằn, nghiệt ngã và chất thơ bay bổng, trữ tình. Sự phát triển tính cách của từng nhân vật cũng vậy – chao qua đảo lại giữa âu lo và hy vọng, giữa cái vui, cái buồn …

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm. Nhà văn đã từng khoác áo lính, hoặc đã trải nghiệm những tháng ngày máu lửa khi đặt bút muốn làm sống lại những điều mắt thấy tai nghe đều trăn trở với câu hỏi viết thế nào cho mới, cho nối được nhịp cầu giữa quá khứ với hiện tại và tới tận mai sau. Thiết nghĩ, với tiểu thuyết “Rừng thiêng nước trong“, Trần văn Tuấn cũng đang tìm lời đáp cho câu hỏi đó. Anh cố vươn tới một cách viết thật ngắn gọn, thật giản dị mà đạt tới độ cô đọng, hàm xúc và sức khái quát cao .

Anh kể rất thật, rất kỹ về những ngày tháng dữ dội, quyết liệt của những năm tháng chiến tranh; anh không che dấu, khoả lấpï những nỗi đau những mất mát, tổn thất nhưng anh quyết bảo vệ cho bằng được việc phản ánh cân bằng cả hai yếu tố BI và TRÁNG của cuộc chiến tranh ấy. Tự trong lương tâm, anh không thích thủ pháp cường điệu, phóng đại để được khen ngợi là “công bằng, khách quan”, để loè bịp những thế hế hệ đến sau. Với tác giả “Rừng thiêng nước trong” cảm hứng ngợi ca chủ đạo vẫn làkhát vọng Độc lập, Tự do của cả dân tộc; chiến tích anh hùng làm rạng rỡ non sống xứ sở; tình thương yêu và nỗi xa xót nhớ tiếc những người đồng đội, đồng chí của mình đã ngã xuống vì nghĩa cả, với tấm lòng sáng trong không hề tính toán, vụ lợi..

TP Hồ Chí Minh tháng 7-2004

TÔ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục