
“Cứu người nuôi cá tra trong bối cảnh khó khăn hiện nay cũng là cách doanh nghiệp (DN) tự cứu mình trong tương lai” – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã kêu gọi DN chế biến thủy sản phát huy vai trò đối với cộng đồng người nuôi cá tra, cá basa ở ĐBSCL, tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 8-6. Tuy nhiên, sau cuộc họp này nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến sự sống còn của cá tra, cá basa ĐBSCL được đặt ra!

Cần có những giải pháp để phát triển cá tra thành mặt hàng chiến lược của VN. Ảnh: C.T.V.
“Trong tuần qua, giá cá tra đã nhích lên. Nhưng động thái tiêu thụ cá tra của DN còn chậm” – ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định. Tình trạng này xảy ra tương tự ở 8 tỉnh, thành nuôi cá tra ở ĐBSCL. Tại An Giang trong 1 tuần qua, các DN mua chưa tới 1.000 tấn cá tồn đọng. Nguyên nhân chủ yếu, các DN nấn ná chờ được vay với lãi suất “ưu đãi”!? Vì vậy, đến ngày 8-6, các DN chỉ vay 10% trong tổng số 1.000 tỷ đồng mà Chính phủ quyết định “bơm” vốn. Tại buổi giao ban, 3 DN ở An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang tiếp tục đề xuất: Ngân hàng hỗ trợ lãi suất vay để mua cá dự trữ - như UBND tỉnh An Giang đã làm cách đây 12 năm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện chúng ta đã gia nhập WTO, việc hỗ trợ lãi suất cho DN vay rất dễ dẫn tới mặt hàng cá tra xuất khẩu bị kiện bán “phá giá” từ nước ngoài.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cam kết cung cấp đủ vốn cho các doanh nghiệp thu mua, nhất là các doanh nghiệp đầu mối. Các tỉnh cần tiếp tục đề xuất những doanh nghiệp có uy tín, làm ăn hiệu quả để ngân hàng cung cấp vốn nhằm đẩy mạnh việc thu mua cá tồn đọng. |
Ông Doãn Tới, Giám đốc Công ty Thủy sản Nam Việt (An Giang) cho biết: “Công ty sẽ tiên phong thu mua cá tồn đọng trong dân theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện DN mua 1.000 tấn cá, sắp tới nâng lên 1.300 tấn/ngày. Nam Việt cam kết mua cá tồn đọng tại An Giang 20.000 tấn, Cần Thơ 15.000 tấn, Đồng Tháp 5.000 tấn từ nay cho đến hết tháng 7-2008”.
Ông Phan Bá Tòng, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Mã (Cần Thơ) cho biết: Hiện mỗi ngày DN mua 120 tấn cá quá cỡ (trên 1 kg/con) trong dân. Tuần tới, sẽ nâng lên 170 tấn/ngày… Riêng tỉnh Sóc Trăng (còn khoảng 5.000 tấn), các DN ở Cần Thơ cần “tiếp sức” mua cá tồn đọng. Bộ trưởng Cao Đức Phát hoan nghênh một số DN hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ hỗ trợ nông dân tiêu thụ cá tra và kêu gọi DN tiếp tục tăng mua cá tồn đọng, giá cá sẽ nhích lên. Chuyện giải quyết cá tra tồn đọng trong hầm của dân coi như đã có hướng “mở”!
Nhiều người cảnh báo, vấn đề phát triển cá tra ở ĐBSCL không chỉ là tiêu thụ cá tra quá lứa tồn đọng trong dân mà hiện nay rất nhiều hộ dân thất bại đã treo hầm nên chuyện thiếu cá nguyên liệu có thể xảy ra trong vòng 3 tháng tới! Cá tra mới nhích giá chút ít, giá thức ăn cho cá đã tăng 200-400 đồng/kg. Giá thức ăn tăng nhưng chất lượng ngày càng giảm. Hàng loạt vấn đề bất cập đang được đặt ra.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, trước mắt, lãnh đạo các địa phương phải bám sát từng ao hầm, đưa ra số thống kê chính xác; điều tra hoàn cảnh khó khăn của người nuôi cá để có đề xuất tháo gỡ kịp thời. Về lâu dài, phải nhanh chóng rà soát quy hoach từng địa phương đi đến thống nhất chung – tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. VASEP nghiên cứu đưa ra giá sàn xuất khẩu cá tra phi lê như đã làm ở một số mặt hàng nông sản. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn nuôi để mọi người thực hiện. Tập trung chỉ đạo khuyến ngư hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, chất lượng, hạ giá thành cá tra, cá basa. Điều này, tổ chức WTO cho phép thực hiện.
CAO PHONG