Khi người em trai Hari Raghavan (15 tuổi) được chẩn đoán bị viêm võng mạc sắc tố và sau khi thị lực giảm dần, chị gái Shanti Raghavan (ảnh) đã thuyết phục em mình đến Mỹ - nơi cô đang là một chuyên gia công nghệ thông tin. Vợ chồng Shanti Raghavan quyết định đưa Hari đến những nơi du lịch đông người cho em tập nhìn các hình ảnh sặc sỡ ở cự ly gần để duy trì thị lực.
Về lại Ấn Độ, mắt của Hari yếu hơn, Shanti lại đưa em mình sang Mỹ lần nữa. Lần này, vợ chồng cô Shanti đã có một bước giúp em mình rất táo bạo bằng cách cho em tham gia một môn thể thao phiêu lưu mạo hiểm. Cô tập trung vào những gì em trai mình còn có thể làm được hơn là những gì không thể. Họ khuyến khích chàng trai khiếm thị đi bơi, leo núi, chèo thuyền, đi khinh khí cầu và thậm chí là cả lặn dưới biển... Và cuối cùng, Hari đã lấy được bằng cử nhân thương mại và sau đó tiếp tục học thạc sĩ chuyên ngành tiếp thị ở ĐH Narsee Monjee College, một trong 10 trường ĐH hàng đầu của Ấn Độ.
Trong thời gian này, vợ chồng Shanti Raghavan tiếp tục tìm cách giúp em mình làm bất cứ gì mà em muốn. Nhưng mặc dù tốt nghiệp xuất sắc nhất lớp qua 70 cuộc phỏng vấn và được trang bị các kỹ năng cần thiết, Hari vẫn không tìm được việc làm. Ở Ấn Độ, khuyết tật thường bị xem là sự trừng phạt của tạo hóa và tìm việc làm cực kỳ khó khăn. Trầy trật lắm, cuối cùng, Hari cũng được Tata Finance nhận.
Trên hành trình giúp đỡ người em khuyết tật của mình, vợ chồng Shanti nhận ra rằng, họ phải làm gì đó để hỗ trợ người khuyết tật. Năm 1999, họ thành lập EnAble India ở Bangalore, chuyên đào tạo người khuyết tật và kết nối với các công ty để xin việc cho họ. Năm 2004, cô bỏ hẳn việc ở Mỹ và về Ấn Độ tập trung cho EnAble India. Từ một khởi đầu khiêm tốn, đến nay, tổ chức này đã có những thay đổi tích cực đến đời sống của hơn 130.000 người khuyết tật và hiện đang có thêm 4.500 người đang làm việc tại 600 công ty. Sau một thời gian tự thân vận động, năm 2007, EnAble India có được đơn vị tài trợ đầu tiên là Axis Bank Foundation...
Nhiệm vụ của EnAble India là kiếm sự độc lập về mặt kinh tế và nhân phẩm cho người khuyết tật. Với khả năng chuyên môn của mình, vợ chồng Shanti đã tập trung cho mảng đào tạo sử dụng máy tính cho người khuyết tật, thậm chí nâng cao kỹ năng lập trình cho họ. Nguồn nhân lực ở đây chủ yếu là nguồn lao động liên quan đến máy tính. Hầu hết đều có thể đáp ứng các yêu cầu của các tập đoàn tuyển dụng có tiếng.
EnAble India đã nhận được một số giải thưởng, trong đó có giải Manthan Award năm 2012, giải the Government of Karnataka - giải tổ chức phi chính phủ tốt nhất năm 2015 - 2016. Riêng Shanti được vinh danh là một Ashoka Fellow, một doanh nghiệp xã hội tiêu biểu, một giải thưởng quốc gia về truyền niềm tin cho người khuyết tật; giải Times Now Amazing Indian, giải NCPEDP-Shell Helen Keller của Trung tâm quốc gia về xúc tiến việc làm cho người khuyết tật...
Mục tiêu lâu dài của EnAble India là làm sao tăng được số lượng tuyển dụng người khuyết tật trên toàn thế giới, đạt đến một ngưỡng mà nơi đó, các cá nhân có thể tìm việc làm mà không cần thông qua trung gian là EnAble India cũng như các tổ chức khác như mô hình EnAble India ngày càng được nhân rộng.
HẠNH CHI