Tuyển sinh đại học – cao đẳng

Đã đến lúc cần thay đổi phương án “3 chung”?

Đã đến lúc cần thay đổi phương án “3 chung”?

Hai đợt thi vào đại học năm 2005 vừa kết thúc suôn sẻ có những nét tích cực đáng ghi nhận, nhưng cũng có nhiều vấn đề phải bàn thêm...

Nhìn lại những mùa thi năm 1999, 2000, 2001 (với hàng loạt hậu quả phát sinh từ thi cử như ùn tắc giao thông kéo dài; TS bị kẹt xe, nhỡ tàu, mất cắp…), có thể thấy, từ năm 2002 đến nay, việc tuyển sinh đã có những chuyển biến tích cực khi Bộ GD-ĐT áp dụng phương án tuyển sinh “3 chung”...

Thế nhưng, để mỗi một mùa thi đạt được như vậy, gần như cả xã hội đã cùng… tuyển sinh với Bộ GD-ĐT. Theo Ban Chỉ đạo tuyển sinh, để đảm bảo an ninh và thuận lợi cho mùa thi năm nay, nhiều bộ, ngành đã phải góp sức như: công an, giao thông vận tải, năng lượng, bưu chính viễn thông, Trung ương Đoàn, Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương, các tổ chức xã hội và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành…

Trước kỳ thi, lực lượng công an liên tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh các lò luyện thi, ngăn chặn bán phao thi, phối hợp với các trường phát hiện và xử lý các hiện tượng gian lận… Rồi còn thêm Đoàn Thanh niên phải huy động hàng ngàn sinh viên hỗ trợ…

Khi cả xã hội vào cuộc, có thể nói, phần lớn những lúng túng phát sinh của một ngày hội lớn đã được giải quyết. Tuy nhiên, những vấn đề cơ bản cần có của các kỳ thi thì chưa vươn tới được.

  • Chưa giảm được “ảo”; vẫn còn tốn kém

Đã đến lúc cần thay đổi phương án “3 chung”? ảnh 1

Về đề thi ĐH trong 3 năm gần đây, có thể thấy, mỗi năm là một mức độ đề, hoặc khá dễ, hoặc khá khó… Tuy nhiên, theo các nhà giáo dục, với phương thức thi cử như hiện nay, việc nhận định đề thi khó, dễ hay trung bình hoàn toàn dựa theo cảm tính, vì chúng ta chưa có thước đo để kiểm soát hệ số tin cậy, hệ số giá trị, độ phân cách, độ phân hóa của đề thi.

Một khi thiếu thước đo, nhà quản lý dễ dẫn đến tình trạng hoặc ra đề quá khó, hoặc quá dễ. Theo tiến sĩ Phạm Thị Ly (ĐH Sư phạm TPHCM), với cách ra đề thi hiện nay, TS buộc phải nhớ một khối lượng kiến thức khổng lồ, và kết quả thi của từng người phụ thuộc khá nhiều vào việc đề thi có rơi vào những gì mà mình đã được luyện hay không.

Điều này một phần giải thích vì sao tuy cửa vào đại học rất hẹp nhưng chất lượng đào tạo ở đại học vẫn còn nhiều bất cập. PGS-TS Ngô Doãn Đãi (ĐHQG Hà Nội) thì cho rằng, chỉ có thể coi một đề thi là tốt khi nó có độ giá trị và độ tin cậy cao, tức là nó đo lường được đúng trình độ của người thi mà cơ sở đào taọ cần. Như vậy, cơ sở tạo nên một đề thi tuyển sinh có độ giá trị và độ tin cậy cao để chọn đúng người vào đại học chưa được giải quyết.

Ngoài việc huy động một lực lượng lớn xã hội, kết thúc hai đợt thi, Bộ GD-ĐT tổng kết: các trường ĐH đã chuẩn bị trên 40.000 phòng thi, nhiều trang thiết bị kỹ thuật vận chuyển và huy động trên 120.000 người tham gia công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, cả hai đợt thi, chỉ có 935.283 TS dự thi/1.249.323 TS ĐKDT. Như vậy, năm 2005 có hơn 314.000 TS ảo (năm 2004 có hơn 251.000). Tính ra, có cả chục tỉ đồng lệ phí ĐKDT của TS… “trôi sông”.

Phía các trường, sau mỗi kỳ thi, đều kêu trời vì lỗ. Một số trường cho biết chỉ tính riêng việc bù lỗ vào khoản chuẩn bị chỗ cho TS ảo thi đã mất mỗi trường hàng trăm triệu đồng. Con số này sẽ là bao nhiêu khi cả nước có đến 78 trường tổ chức thi đợt 1, và 89 trường tổ chức thi đợt 2.

  • Đổi mới tuyển sinh: không nên trì hoãn

Có thể thấy, dù đã đi được nửa chặng đường, phương án cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ “3 chung” của Bộ GD-ĐT (2002-2007) vẫn chưa đạt mục tiêu: giảm số lượt người thi, giảm tập trung ở các thành phố lớn, giảm chi phí, giảm căng thẳng,… Như vậy, đã đến lúc Bộ GD-ĐT nghĩ đến việc kết thúc của phương án “3 chung” vốn chỉ được xem là phương án tạm thời.

Theo GS-TS Trương Đình Kiệt (ĐH Y Dược TPHCM) và nhiều nhà làm giáo dục, để đổi mới tuyển sinh, Bộ GD-ĐT không nên trì hoãn việc thi trắc nghiệm và cần sớm quyết định nhập chung kỳ thi tú tài và kỳ thi tuyển sinh làm một.

Kết quả kỳ thi này công nhận học sinh tốt nghiệp phổ thông đồng thời dùng tuyển sinh ĐH. Vì chỉ còn một kỳ thi nên từng địa phương chỉ cần kết hợp với các trường ĐH tổ chức thi tại địa phương đó. Và khi có thêm nhiều điểm thi rải rác ở các tỉnh, thành thì sẽ không còn tình trạng TS khăn gói quả mướp nằm dầm dề ở các thành phố lớn…

Về lâu dài, để giải quyết được những vấn đề căn cơ của tuyển sinh, nhiều nhà giáo dục cho rằng cần sắp xếp lại hệ thống giáo dục và phân tầng ĐH. Dùng biện pháp “phân lũ” dòng học sinh hướng vào ĐH thành hai dòng chính: dòng thứ nhất hướng vào các ĐH truyền thống và các loại hình đào tạo chính quy vốn đòi hỏi cao về chất lượng và không tuyển quá đông.

Dòng thứ hai hướng vào các trường ĐH mở hoặc các loại hình đào tạo mở của một số ít trường ĐH truyền thống có điều kiện vốn không đòi hỏi cao về chất lượng đầu vào và không hạn chế tuyển sinh. 

Linh An

Tin cùng chuyên mục