Đa số thiết bị đo lường sai lệch

Dù được tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên nhưng tình trạng vi phạm về thiết bị cân đo vẫn còn ở mức cao. Có ngành, lĩnh vực có đến 70% các thiết bị đo không phù hợp quy định. Thực tế này được các địa phương tiếp tục nêu ra tại Hội nghị Năng suất Chất lượng TPHCM năm 2014, với chủ đề Quản lý phương tiện đo giai đoạn 2012-2014 và định hướng những năm tiếp theo…
Đa số thiết bị đo lường sai lệch

Dù được tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên nhưng tình trạng vi phạm về thiết bị cân đo vẫn còn ở mức cao. Có ngành, lĩnh vực có đến 70% các thiết bị đo không phù hợp quy định. Thực tế này được các địa phương tiếp tục nêu ra tại Hội nghị Năng suất Chất lượng TPHCM năm 2014, với chủ đề Quản lý phương tiện đo giai đoạn 2012-2014 và định hướng những năm tiếp theo…

Nhiều sai phạm

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) TPHCM cho biết, so với các ngành, lĩnh vực khác, ngành sản xuất phương tiện đo của nước ta vẫn chưa thực sự phát triển. Phần lớn các doanh nghiệp còn nhập khẩu toàn bộ hoặc một phần các bộ phận đặc trưng kỹ thuật đo lường chủ yếu từ nước ngoài.

Thống kê, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 120 tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các loại phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 (phương tiện đo bắt buộc kiểm định). Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều sai phạm như thiếu một hoặc một số nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc linh kiện chi tiết không đúng với mẫu đã phê duyệt.

Người tiêu dùng tìm hiểu về chủng loại cân hợp chuẩn.

Đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo, tình trạng sai phạm vẫn còn ở mức cao. Trong giai đoạn 2012-2014, công tác thanh kiểm tra phát hiện 6 cột đo xăng dầu, 14 thiết bị cân khối lượng không đạt các quy định về đo lường. Đặc biệt, ở lĩnh vực y tế, trong số 238 huyết áp kế lò xo được kiểm định, có đến 162 thiết bị không đạt; 143/202 nhiệt kế y học cũng không đáp ứng được các quy định về đo lường.

“Trên địa bàn TPHCM, số lượng cơ sở y tế sử dụng phương tiện đo phục vụ cho mục đích khám, chữa bệnh rất nhiều, tuy nhiên lực lượng thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này tương đối ít và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế”, bà Nga nhấn mạnh.

Còn theo Thanh tra Sở KH-CN TPHCM, cân phân tích, cân kỹ thuật là những thiết bị đo nằm trong danh mục thiết bị không cần kiểm soát đo lường về phê duyệt mẫu. Lợi dụng kẽ hở này, một số doanh nghiệp đã cho nhập khẩu cân điện tử có giá trị độ chia rất nhỏ và có tính năng cài đặt thay đổi mức cân lớn nhất. Khi áp dụng phân cấp cân để kiểm định thì các cân này rơi vào trường hợp cân phân tích và cân kỹ thuật. Qua đó, các doanh nghiệp nhập khẩu đã lách được quy định về cân phê duyệt mẫu.

Đồng bộ nhiều giải pháp

TPHCM là trung tâm kinh tế hàng đầu của đất nước với tốc độ tăng trưởng cao, trình độ công nghệ ngày càng tiến bộ, đòi hỏi vai trò quản lý nhà nước về đo lường và phương tiện đo ngày càng tăng. Sở KH-CN TPHCM nhận định, để đáp ứng yêu cầu này cần nhiều yếu tố, từ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ đến việc ban hành chính sách, cơ chế phù hợp, nâng cao nguồn nhân lực và tiếp tục trang bị các phương tiện kiểm định thiết bị đo đạt chuẩn.

Nhiều địa phương cũng nhận định, thị trường xăng dầu tiếp tục là điểm nóng cần tập trung thanh kiểm tra thường xuyên. Cùng với sự phát triển của công nghệ điện tử, các gian lận đo lường các cột đo xăng dầu cũng được thực hiện một cách tinh vi và rất khó phát hiện. Tại một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương,… không ít các điểm bán lẻ xăng dầu đã lập trình chương trình điều khiển mạch đo xăng dầu để qua mắt cơ quan chức năng. Tại Đồng Tháp, cưa rãnh đầu vít để tháo dây kẹp chì, tinh chỉnh thước đo xăng dầu để gian lận người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, nhà nước cần sớm ban hành các quy định kiểm định đối với các phương tiện đo huyết áp kế điện tử và nhiệt kế địa tử bức xạ hồng ngoại đo tai, đo trán… Hiện các thiết bị này dù đang được áp dụng vào việc khám chữa bệnh, nhưng các bệnh viện vẫn lúng túng vì chưa có quy trình, phương tiện kiểm định. Ngoài ra, quy định mức chi phí kiểm định các phương tiện đo hiện nay còn rất cao.

Chẳng hạn như nhiệt kế thủy tinh-thủy ngân có giá chỉ 14.000 đồng/cái, trong khi chi phí kiểm định đến 20.000 đồng/cái. Đây cũng là nguyên nhân khiến các tổ chức, doanh nghiệp “lơ” quy trình kiểm định theo định kỳ.

Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước chỉ có hiệu quả khi đại đa số các tổ chức, cá nhân nâng cao kiến thức về đo lường. Bởi thế, đại diện Phòng quản lý KH-CN cơ sở, Sở KH-CN TPHCM cho rằng, công tác tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về đo lường phải được thực hiện trước tiên và thường xuyên. Suy cho cùng, tính chính xác trong quá trình sử dụng thiết bị đo phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của người sử dụng và sự hiểu biết của khách hàng.

Cuối năm 2010, Chi cục TCĐLCL TPHCM đã được UBND TPHCM giao thực hiện dự án đầu tư thiết bị kiểm, định, hiệu chuẩn phương tiện đo với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự án sẽ trang bị chuẩn đo lường và các thiết bị cho các nhóm áp suất, độ dài, khối lượng, dung tích, nhiệt điện. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2015, sẽ đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về phương tiện đo tại TPHCM và các tỉnh lân cận.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục