Đặc nhiệm Mỹ giải cứu thuyền trưởng khỏi tay cướp biển

Đặc nhiệm Mỹ giải cứu thuyền trưởng khỏi tay cướp biển

(SGGP-12G).- Các tay súng bắn tỉa của lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ (Navy SEALs) vừa kết thúc thảm kịch 5 ngày trên biển, giải cứu thành công thuyền trưởng Richard Phillips bị 4 tên cướp biển Somalia bắt cóc sau vụ cướp tàu Maersk Alabama bất thành hôm 8-4.

Quyết định “cực nhanh”

Theo tường thuật của AP, tại cuộc họp báo qua điện thoại từ Bahrain, Phó Đô đốc William Gortney, chỉ huy Bộ Tư lệnh trung ương Hải quân Mỹ, thông báo: Thuyền trưởng Phillips được giải cứu lúc 7g19, giờ địa phương (16g19 GMT) ngày 12-4, sau khi các tay súng SEALs bắn chết 3 tên cướp biển cầm giữ ông trên thuyền cứu sinh lấy từ tàu Alabama.

Gortney cho biết, chỉ huy tàu khu trục USS Bainbridge đã có quyết định “cực nhanh” cho phép bắn các tên cướp khi chúng chĩa súng AK-47 vào Phillips đang bị trói trong thuyền và sắp giết ông. Các tay súng bắn tỉa ở đuôi tàu Bainbridge, cách thuyền cứu sinh khoảng 30m, đã nổ súng ngay khi “nhìn thấy đầu và vai các tên cướp” – Gortney cho biết. Phía Mỹ đang tạm giữ tên cướp thứ tư trên thuyền cứu sinh, lúc đó vừa lên tàu Bainbridge để thương thuyết.

Thuyền trưởng Phillips (phải) và sĩ quan chỉ huy Frank Castellano trên tàu USS Bainbridge. Ảnh: US Navy

Thuyền trưởng Phillips (phải) và sĩ quan chỉ huy Frank Castellano trên tàu USS Bainbridge. Ảnh: US Navy

Căng thẳng gia tăng từ sáng sớm 11-4, khi có thêm 3 tàu chiến Mỹ đến khu vực và bọn cướp đã nổ súng về phía một thuyền nhỏ từ tàu Mỹ định tiếp cận chúng. Hải quân Mỹ cho biết, ngay trước lúc họ giải cứu Phillips, bọn cướp biển đang tìm cách đưa Phillips vào bờ và dọa sẽ giết ông nếu chúng bị tấn công. Thuyền cứu sinh lúc đó ở cách bờ biển Somalia khoảng 20 hải lý.

Sau khi được kiểm tra y tế trên tàu Bainbridge, Phillips chuyển sang nghỉ ngơi trên tàu USS Boxer neo ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi Somalia. Ngay sau khi được giải cứu, Phillips đã nói chuyện qua điện thoại với vợ, Andrea. Người phát ngôn hãng tàu dẫn lời vợ Phillips cảm ơn mọi người đã hy vọng, cầu nguyện cho chồng bà trong 5 ngày qua và “đây thực sự là một lễ Phục sinh hạnh phúc cho gia đình”. Thủy thủ tàu Alabama vừa đến cảng Mombasa (Kenya) đã reo hò, đốt pháo bông ăn mừng, gọi Phillips là người anh hùng đã cứu họ.

Nỗi lo hậu quả

Phó Đô đốc Gortney cho biết, các cuộc tấn công cướp biển của lực lượng quốc tế gia tăng đã dẫn tới việc truy tố 130 nghi can cướp biển trong 3 tháng qua, tuy nhiên vẫn không có hiệu quả làm giảm số vụ tấn công của cướp biển Somalia. Do bị tấn công, cướp biển đã đi xa hơn về phía Nam, ra Ấn Độ Dương, trong tuần qua chúng đã bắt ít nhất 7 tàu. Điều này đang gây nhiều lo ngại vì Ấn Độ Dương là một tuyến hàng hải tấp nập với nhiều tàu dầu, tàu thương mại chở theo hàng hóa trị giá nhiều tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề về lâu dài là phí bảo hiểm sẽ tăng và thương mại quốc tế bị đe dọa.

Reuters cho biết, Nhà Trắng đã công bố lịch làm việc cho thấy Tổng thống Barack Obama được cập nhật liên tục thông tin về vụ cướp biển bắt giữ thuyền trưởng Phillips và đã chấp thuận Lầu Năm Góc cho lực lượng Mỹ tiến hành các hành động khẩn cấp. Ông Obama đã tuyên dương các lính hải quân tham gia chiến dịch và khen ngợi thuyền trưởng Phillips rằng “lòng can đảm của ông ấy là một kiểu mẫu cho người Mỹ”.

 Theo Gortney, đòn mạnh của Mỹ với cướp biển này có thể làm chúng có những hành động trả đũa nguy hiểm. Một tên cướp xưng tên Jamac Habeb, 30 tuổi, từ thị trấn Eyl (Somalia) nói với AP: “Các bạn tôi nên giết thuyền trưởng trước khi bị giết. Đó là bài học lớn cho chúng tôi. Từ nay, nếu bắt tàu nước ngoài và lực lượng nước họ tìm cách tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ giết con tin”.

Andrew Mwangura, điều phối viên của Tổ chức Hỗ trợ thủy thủ Đông Phi (EASA), nói: “Đây là một cảnh báo lớn với cướp biển. Chúng sẽ tăng mức tiền chuộc và có thể gây bạo lực hơn”.

Đến nay, cướp biển Somalia vẫn cho con tin ăn uống, có khi còn cho điện thoại về nhà, chưa có con tin nào bị cướp biển giết. Một tên cướp xưng tên Hussein nói với Reuters qua điện thoại vệ tinh: “Người Mỹ và người Pháp sẽ hối hận vì các vụ này. Chúng tôi không giết con tin, chỉ lấy tiền chuộc. Nhưng từ nay, chúng tôi sẽ làm điều gì đó với người Mỹ và Pháp”.

Nhiều người dân ở Harardhere, một cảng căn cứ cướp biển ở Somalia, nói với AP, họ lo cướp biển sẽ trả đũa với 200 con tin của các tàu chúng đang giữ và có thể dẫn đến các cuộc tấn công của lực lượng nước ngoài vào làng họ.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục