Đặc quyền trường tư

Những ngày này, khi kỳ thi học kỳ 1 đang diễn ra cũng là lúc học sinh các trường tư thục, dân lập vắt giò chạy với lịch học chính khóa, phụ đạo, tăng tiết luyện thi… Một vị phụ huynh có con đang học tại trường THPT dân lập H.B. than thở: Sau mỗi học kỳ là cứ y như rằng học phí sẽ tăng nhanh như “bão giá”. Giờ trường lại “đẻ” thêm chiêu học phụ đạo dù học lực của học sinh thuộc vào loại khá. Vấn đề ở đây không chỉ là chuyện tiền nong mà điều lo lắng là học trò lấy sức đâu mà theo cho nổi? Ngày thường học nội trú, cháu đã học đến 3 ca từ sáng đến tối, giờ thêm phụ đạo không biết sẽ học vào giờ nào.

Chuyện học sinh trường tư học nhồi nhét như “gà chọi” không còn là cảnh lạ. Trước mỗi kỳ thi, học sinh ở các trường này lại bắt đầu vào guồng chạy. Một vị lãnh đạo của ngành GD-ĐT TPHCM khi tư vấn cho người thân chọn trường ngoài công lập cũng không quên kèm theo lời khuyến cáo: Vào đó, học sinh sẽ phải học và sống như trong lò rèn. Nếu cho con học nội trú thì càng tội nghiệp tụi nhỏ vì môi trường khắt khe hơn… quân đội. Đổi lại, học sinh sẽ nằm trong những con số đẹp như mơ với hiệu suất tốt nghiệp THPT 100%, 98% học sinh đậu ĐH - CĐ… Đứng trước một tương lai được “bảo chứng”, nhiều phụ huynh đã không ngại đưa con vào các trường để “khổ luyện”. Hiệu phó một trường THCS ở quận 11 cho biết: Để xin vào trường tư còn khó hơn trường công, vừa phải đóng tiền nhiều vừa phải năn nỉ. Càng có thương hiệu thì càng khó xin vô.

Một vận động viên đua nước rút liệu có đủ sức bền cho một chặng đường dài vẫn là câu hỏi khó cho các trường. Một số giáo viên từng dạy ở các trường ngoài công lập bật mí chuyện bếp núc: Các trường dân lập, tư thục tuyển chọn học sinh khó lắm, trường càng có tiếng càng kén học sinh. Đầu vào đã được tuyển lựa gắt gao, nhưng đến cuối mỗi năm học sẽ được sàng lọc lại, những học sinh không đạt yêu cầu sẽ bị loại thẳng tay. Đến năm cuối cấp sẽ là một đợt tổng duyệt lần cuối để đảm bảo “tỷ lệ vàng” 100% đậu tốt nghiệp. Khi nhu cầu xã hội hóa giáo dục càng cao, các trường tư càng ăn nên làm ra nên giáo dục bỗng trở thành lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận. Các trường tư cũng sở hữu những đặc quyền tuyển chọn và “thải” học sinh mà cơ quan quản lý không thể “sờ” tới. Thế nên nhiều người vẫn thắc mắc những con số đẹp như mơ có phản ánh đúng chất lượng dạy và học hay chỉ là kết quả tức thời của những ngày học nhồi nhét?

TIÊU HÀ

Tin cùng chuyên mục