Dải Gaza bị chia làm đôi

Hamas muốn thương lượng
Dải Gaza bị chia làm đôi
  • Israel ngăn cản báo giới

Sáng sớm 5-1, hàng chục ngàn binh sĩ Israel tiến sâu hơn vào Dải Gaza, tới vùng ngoại ô Zeitoun của thành phố Gaza. Các nhân chứng cho biết thành phố Gaza đã điêu tàn với hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy, hầu hết các cửa hiệu đóng cửa, điện nước bị cắt hoàn toàn.

Chỉ trong đêm 4 rạng sáng 5-1, 130 mục tiêu ở Dải Gaza đã bị tấn công. Quân đội Israel tuyên bố “mọi việc đang tiến triển theo dự kiến. Hamas đã bị tổn thất nặng nề, nhiều tay súng bị bắt giữ”.

Hamas muốn thương lượng

Dải Gaza bị chia làm đôi ảnh 1

Nỗi đau mất người thân của người dân Dải Gaza.

Hôm qua, 5-1 kênh truyền hình Aljazzerra đưa tin Phong trào Hồi giáo Hamas sẽ cử  phái đoàn tới Cairo (Ai Cập) theo lời mời của nước này để bắt đầu những cuộc thương lượng đầu tiên kể từ khi nổ ra chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza.

 Theo Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Israel Isaac Herzog, Tel Aviv tin rằng lực lượng Hồi giáo Hamas có thể đang tìm kiếm lối thoát “danh dự” khỏi cuộc chiến với Israel, sau khi đã đánh giá thấp quy mô cuộc tấn công quân sự tại Dải Gaza.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel E.Barak cho biết bộ binh nước này được trực thăng yểm trợ đã tiến sâu chia Dải Gaza làm đôi và đã kiểm soát được 73% các cứ điểm của Phong trào Hồi giáo Hamas. Những nơi mà Israel cho là được Hamas sử dụng để bắn rocket vào lãnh thổ Israel những ngày qua.

Trong khi đó, tiếp tục lập trường cứng rắn đối với Phong trào Hồi giáo Hamas, một mặt Thủ tướng Israel Ehud Olmert tuyên bố sẽ không ngừng các cuộc tấn công quân sự vào Dải Gaza trước khi đạt được các mục tiêu đã đặt ra. Đồng thời nhấn mạnh Tel Aviv sẽ không bác bỏ các hoạt động ngoại giao của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt các vụ bắn rocket từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel.

Mặc khác, Tổng thống Israel Shimon Peres cũng bác bỏ khả năng ngừng bắn tại Gaza, song khẳng định Nhà nước Do Thái không có ý định chiếm đóng vùng lãnh thổ này.

Báo giới không được tiếp cận chiến trường

Mặc dù cuộc chiến chỉ diễn ra cách rất gần (khoảng 4-5 km) nhưng các phóng viên bị cấm không được vượt quá giới hạn. Con đường bộ dẫn tới Dải Gaza bị cảnh sát Israel kiểm soát và cánh phóng viên luôn bị đe dọa “bỏ tù”, “còng tay” bất cứ ai dám mon men tới gần khu vực Palestine. Do bị cấm cản, cánh báo chí phải theo dõi cuộc chiến từ nhiều gò đất quanh đó và qua các đợt máy bay oanh tạc và hoạt động của các đoàn xe tăng, xe ủi đất.

Theo nhận xét của phóng viên báo Libération (Pháp), quân đội Israel luôn muốn tạo cảm giác cho báo giới thấy tất cả sự chuẩn bị của họ (xe tăng, hàng ngàn binh sĩ…) nhưng chỉ vì lý do an ninh. Trái lại, khi có một quả rocket do Hamas bắn sang, họ lại công khai tuyên truyền với báo giới một cách tối đa.

Hoạt động cứu trợ nhân đạo bị hạn chế

Trong ngày hôm qua, đoàn xe nhân đạo quốc tế gồm 80 xe tải đã vào đến Dải Gaza thông qua cửa khẩu Kerem Chalom, phía Nam Palestine. Đoàn xe này chở số thuốc men, đồ dùng thiết yếu của các nước Hy Lạp, Jordan, Ai Cập và một số tổ chức quốc tế, công ty tư nhân. Trước đó, phía Israel cũng đã mở cửa khẩu Nahal Oz ở phía Bắc để vận chuyển vào Dải Gaza 200.000 lít dầu nhằm duy trì hoạt động của nhà máy điện ở Gaza cũng như 120 tấn ga tiêu thụ mỗi ngày.

Trước đó, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã lên án Israel ngăn cản nhóm cứu trợ y tế của tổ chức này vào Dải Gaza. Ai Cập kêu gọi mở các hành lang nhân đạo ở Gaza để chuyển lương thực và thuốc men cho người dân Palestine, trong bối cảnh các vụ không kích của Israel khiến cửa khẩu Rafah, giữa Ai Cập và Gaza bị đóng.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng kêu gọi Israel tôn trọng luật lệ quốc tế và cho phép tiếp cận những thường dân Palestine “đang khốn khổ và hấp hối” vì các cuộc chiến tại Dải Gaza. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ viện trợ khẩn cấp 3 triệu euro (4,2 triệu USD) cho người dân Dải Gaza và thúc giục Israel dành ra một “khu nhân đạo” để chuyển hàng cứu trợ.

Tính đến nay đã có hơn 510 người Palestine thiệt mạng vì các vụ tấn công của Israel, trong đó có 87 trẻ em và khoảng 2.450 người bị thương.

V.Khuê (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục