Đại hội đồng cổ đông lần thứ 5 của Eximbank lại bất thành

Sau 4 lần tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) trong năm 2020 bất thành (2 lần không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự, 2 lần do dịch Covid-19 phải hoãn), ngày 26-4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3.
Đại hội đồng cổ đông lần thứ 5 của Eximbank
Đại hội đồng cổ đông lần thứ 5 của Eximbank

Mặc dù chỉ có 92 cổ đông tham dự, nhưng tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tại ĐHĐCĐ lần thứ 3 của Eximbank lên đến 94,51% vì số lượng ủy quyền tham dự ĐHĐCĐ nhiều, do đó đại hội vẫn tiến hành. Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng có mặt tại đại hội. Ban Tổ chức Eximbank cho biết, NHNN đã chuẩn y danh sách nhân sự dự kiến bầu làm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025).

Tuy nhiên, đến phần biểu quyết thông qua quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, chỉ có 44,92% tỷ lệ cổ đông, tương ứng 521 triệu cổ phiếu biểu quyết đồng ý, 54,69% không đồng ý. Do đó, ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng ban Thẩm tra tư cách cổ đông, đại diện ban tổ chức, tuyên bố không thông qua quy chế, ĐHĐCĐ không thể tiến hành. 

Trước đó, các nhóm cổ đông lớn đã gửi văn bản kiến nghị miễn nhiệm hàng loạt các thành viên HĐQT Eximbank. Cụ thể, HĐQT Eximbank nhận được văn bản kiến nghị của bà Kiều Vũ Thụy Uyên, đại diện nhóm cổ đông sở hữu 10,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại ĐHĐCĐ Eximbank, đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm các ông: Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh, Lê Văn Quyết, Ngô Thanh Tùng.

Ngoài ra, HĐQT Eximbank cũng nhận được văn bản kiến nghị của nhóm cổ đông gồm ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Trần Công Cận, Lafelle Limited, Education Management Holdings Limited (sở hữu 11,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) đề nghị Eximbank miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm các ông: Hoàng Tuấn Khải, Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.  Như vậy, HĐQT Eximbank hiện có 9 thành viên thì 2 nhóm cổ đông lớn đã đề xuất miễn nhiệm hết 8 thành viên, chỉ riêng ông Nguyễn Quang Thông không bị đề nghị miễn nhiệm.

“Cuộc chiến” giữa các nhóm cổ đông lớn của Eximbank trong hơn một năm qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của Eximbank. Cụ thể, năm 2020, tổng tài sản của Eximbank sụt giảm 4,2% xuống còn 160.435 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng giảm 11% xuống 100.767 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng giảm 3,8% xuống 133.917 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Eximbank năm 2020 đạt 1.399 tỷ đồng, tăng 22,3% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 1.070 tỷ đồng. Với lùm xùm nội bộ vẫn chưa có hồi kết, kế hoạch trong năm 2021, Eximbank chỉ dự kiến đạt 2.150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, các ngân hàng có cùng quy mô trên thị trường đã ghi nhận lợi nhuận trên dưới 10.000 tỷ đồng, nhất là trong bối cảnh ngành ngân hàng đang ăn nên làm ra. 

Tin cùng chuyên mục