Đảm bảo quyền lợi học sinh khi dừng chương trình nước ngoài

Liên quan việc 4 trường quốc tế phải dừng chương trình nước ngoài (được Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm trước đây) từ năm học 2021-2022 theo đề nghị của UBND TPHCM, Báo SGGP tiếp tục ghi nhận ý kiến các bên liên quan để làm rõ hơn vấn đề này.

Chuyển đổi theo lộ trình phù hợp  

 Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, địa bàn TP có 8 trường được cho phép thí điểm giảng dạy chương trình nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 86/2018/NĐ-CP được ban hành (thi hành từ ngày 1-8-2018) thay thế Nghị định 73/2012/NĐ-CP (ngày 26-9-2012) của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, 4 trường đã chuyển đổi mô hình hoạt động. TPHCM hiện còn 4 đơn vị chưa chuyển đổi mô hình hoạt động gồm TH-THCS-THPT (tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông) Quốc tế Sài Gòn Pearl, THCS-THPT Quốc tế APU, TH-THCS-THPT Quốc tế Canada và TH-THCS-THPT Quốc tế Mỹ. 

Sau khi có văn bản của UBND TP, 2 trong số 4 đơn vị đã xúc tiến hồ sơ trình các cấp có liên quan để chuyển đổi mô hình hoạt động. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở GD-ĐT được UBND TP giao nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, báo cáo về tình hình các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các cơ sở giáo dục phổ thông đang dạy chương trình giáo dục nước ngoài (được Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm). Công văn chỉ đạo nêu rõ, các trường này buộc phải dừng hoạt động thí điểm, khẩn trương chuyển đổi mô hình hoạt động, chậm nhất trong quý 2-2021 theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP. Những trường hợp chậm điều chỉnh, UBND TP tiếp tục báo cáo, kiến nghị Bộ GD-ĐT để giải quyết dứt điểm.

Căn cứ theo Nghị định 86, các cơ sở giáo dục ngoài công lập được phép thực hiện hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo 3 loại hình gồm: liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Quy định không áp dụng đối với hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Nghị định 86 cho phép các trường thực hiện chương trình nước ngoài tích hợp chương trình Việt Nam để đảm bảo 2 mục tiêu đầu ra cho học sinh là có bằng tốt nghiệp các cấp học của Việt Nam, đủ điều kiện theo học các trường đại học trong nước đồng thời đáp ứng điều kiện về chứng chỉ quốc tế đáp ứng nguyện vọng du học của học sinh và gia đình.

Tuy nhiên, TP không yêu cầu dừng đột ngột các chương trình giảng dạy đã thí điểm mà sẽ thực hiện theo lộ trình phù hợp. Cụ thể, học sinh đang theo học các chương trình thí điểm vẫn tiếp tục học ổn định cho đến khi hoàn thành bậc học. Việc dừng các chương trình thí điểm chỉ được áp dụng bắt đầu từ năm học 2021-2022 dành cho học sinh đầu cấp tuyển sinh mới (lớp 1, 6, 10) và thực hiện cuốn chiếu theo lộ trình.

Gấp rút xây dựng chương trình 

Một phụ huynh có con đang học một trong 4 trường nêu trên cho biết, từ khi nộp hồ sơ nhập học, nhà trường đã yêu cầu phụ huynh điền đầy đủ thông tin vào một tờ khai với nhiều nội dung như nguyện vọng của gia đình trong việc du học của con, khả năng tài chính dành cho việc học trong 5 năm tới. Vì vậy, gần như toàn bộ học sinh khi nộp hồ sơ nhập học vào các trường này đều xác định rõ mục tiêu sau khi hoàn thành các cấp học phổ thông ở Việt Nam sẽ tiếp tục học đại học ở một trong các nước mà đơn vị có liên kết đào tạo như Mỹ, Canada...

“Tuy nhiên, năm 2020 có quá nhiều thay đổi đối với giáo dục. Trong tình hình thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc du học nước ngoài. Trường hợp không thể tiếp tục việc học ở các trường đại học quốc tế, học sinh chương trình quốc tế sẽ khó khăn trong việc chuyển tiếp bằng cấp tại các trường đại học ở Việt Nam”, phụ huynh này cho biết. 

Thừa nhận thực tế này, cán bộ quản lý một trường phổ thông liên cấp ngoài công lập ở TPHCM bày tỏ, yêu cầu chuyển đổi chương trình là cần thiết, vừa duy trì được hoạt động của các trường quốc tế vừa không ảnh hưởng quyền lợi học sinh, đáp ứng tình hình thực tế của thế giới. Trước đây, từng có trường hợp học sinh tốt nghiệp một trường quốc tế nhưng không đủ điều kiện du học phải học lại lớp 12 theo chương trình của Bộ GD-ĐT ở một trường tư thục khác để đáp ứng yêu cầu về chuẩn kỹ năng, kiến thức theo quy định, đủ điều kiện tham dự kỳ thi THPT quốc gia.

Theo tiết lộ từ các đơn vị, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các trường khi chuyển đổi mô hình hoạt động là phải viết lại chương trình giáo dục. Căn cứ theo khoản c điều 7 chương II Nghị định 86, chương trình giáo dục tích hợp phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp đối với các đơn vị liên kết giáo dục với nước ngoài.

Quy trình tiếp nhận hồ sơ được thực hiện qua các bước: Sở GD-ĐT tỉnh thành gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp về Bộ GD-ĐT. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ GD-ĐT sẽ thông báo kết quả thẩm định chương trình bằng văn bản gửi Sở GD-ĐT.

Như vậy, để kịp triển khai chương trình mới bắt đầu từ năm học 2021-2022, các trường phải khẩn trương soạn thảo chương trình, tổ chức tập huấn giáo viên để đảm bảo chất lượng dạy học tốt nhất cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục