Đảm bảo quyền lợi học sinh khi trở lại trường học

Nhằm chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học, TPHCM vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.
Trường THPT Trưng Vương phun thuốc khử khuẩn để phòng tránh dịch bệnh
Trường THPT Trưng Vương phun thuốc khử khuẩn để phòng tránh dịch bệnh

Song song đó, trường học cũng có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng học tập và thi cử cho học sinh.

Chủ động khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất

 Ngay sau khi UBND TP ban hành bộ tiêu chí nói trên, lãnh đạo nhiều trường học cho biết băn khoăn lớn nhất là ở các tiêu chí về mật độ và khoảng cách giữa 2 học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên trong trường học.

Cụ thể, ở tiêu chí đánh giá về mật độ người, trường học phấn đấu đảm bảo mật độ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tập trung trong phòng sinh hoạt hoặc phòng làm việc từ 2m² trở lên/một người. Ở tiêu chí về khoảng cách, học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên ngoài khu vực phòng học và phòng làm việc cần đảm bảo khoảng cách từ 2m trở lên.

Hiện nay, với sĩ số trung bình 40 - 50 học sinh/lớp, đặc biệt ở các quận vùng ven và khu vực ngoại thành có tốc độ gia tăng dân số cao (như quận Gò Vấp, quận 12, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn…), đại diện các trường đều cho biết phải thực hiện thêm nhiều giải pháp mới đảm bảo an toàn cho học sinh, như tổ chức giờ nghỉ luân phiên từng khối lớp, tách lớp để giảm sĩ số, tạo vách ngăn giữa 2 học sinh ngồi cùng bàn... 

Giải thích thêm về bộ tiêu chí, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết: “Ở từng tiêu chí đánh giá, nếu cơ sở giáo dục đáp ứng ở mức độ cao, sẽ được đánh giá đảm bảo an toàn cao cho học sinh. Ngược lại, nếu tiêu chí nào chưa thể thực hiện được, sẽ đánh giá có nguy cơ không an toàn”.

Trường hợp cơ sở giáo dục có chỉ số an toàn chưa cao, đơn vị được yêu cầu có biện pháp khắc phục để giảm thiểu rủi ro trong quá trình học sinh trở lại trường học. Như vậy, bộ tiêu chí được ban hành nhằm giúp các cơ sở giáo dục rà soát điều kiện tổ chức các hoạt động, qua đó tự chấm điểm để nâng cao mức độ an toàn, đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Ngoài ra, ông Lê Hoài Nam lưu ý, các trường không nên hiểu những tiêu chí không an toàn là những hoạt động cần hạn chế hoặc không được tổ chức. Thay vào đó, một số hoạt động được đề cập trong bộ tiêu chí như tổ chức bán trú, xe đưa rước học sinh, mua bán căn tin, giữ trẻ ngoài giờ lên lớp, cần được hiểu là những hoạt động được phân nhóm có nguy cơ không an toàn. Cơ sở giáo dục khi tổ chức cần tiến hành song song các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh. Như vậy, khi học sinh trở lại trường học, các trường có thể tổ chức bán trú, hoặc các hoạt động mua bán ở căn tin, nhưng phải có phân chia khu vực xếp hàng chờ lấy thức ăn, khu vực ăn uống cho học sinh, đảm bảo khoảng cách giữa 2 học sinh dao động 1-2m.

Ôn tập hiệu quả cho học sinh cuối cấp

Đối với học sinh khối 9, hiện nay Bộ GD-ĐT đã công bố nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT  Nguyễn Văn Hiếu, sau khi học sinh trở lại trường học, các em sẽ được giáo viên rà soát lại chất lượng học tập trực tuyến trong thời gian trường học tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, từ đó có cơ sở triển khai tiếp chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 và tổ chức ôn tập cho học sinh. 

Riêng với học sinh khối 12, mặc dù đề thi tốt nghiệp THPT năm nay được dự đoán có độ khó ít hơn các năm trước, tuy nhiên kết quả này có thể được sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng, nên học sinh cần có kế hoạch ôn tập phù hợp năng lực và định hướng nghề nghiệp của các em.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), thông tin năm nay các trường ĐH sẽ có nhiều phương thức xét tuyển, như xét học bạ 5 học kỳ (4 học kỳ của năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12), lấy điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc tổ chức kỳ thi khảo sát năng lực đáp ứng tiêu chí tuyển sinh của các trường. Vì vậy, ngoài việc ôn tập kiến thức cho học sinh, các trường THPT cho biết sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn hướng nghiệp nhằm giúp học sinh có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. 

Nhiều hiệu trưởng cũng cho biết, trước đây phân chia lớp ở khối 12 dựa theo tổ hợp môn xét tuyển ĐH (do kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 có mục tiêu “2 trong 1” là xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH), nhưng năm nay, với việc Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, học sinh sẽ được phân chia lại lớp học để được ôn tập theo nhóm trường ĐH đăng ký. Trong đó, những em tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐH tốp trên tổ chức, sẽ được  luyện chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của trường.

“Dự kiến, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm nay không thay đổi so với năm 2019. Đề thi sẽ tập trung kiến thức học kỳ 1 năm lớp 9 để giảm áp lực học tập và thi cử cho học sinh”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.

Tin cùng chuyên mục