Nhanh nhưng không vội
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một giáo viên chấm thi môn Ngữ văn tại TPHCM cho biết, năm nay quy trình chấm thi được triển khai hết sức nghiêm ngặt và chặt chẽ.
“Tất cả thành viên tham gia hội đồng chấm đều phải để điện thoại di động và vật dụng cá nhân bên ngoài khu vực làm việc. Mỗi ngày đều có điểm danh cán bộ, giáo viên, bất kể ai ra vào cổng đều phải đeo thẻ kiểm soát. Mọi cuộc trao đổi, bàn luận đều được báo cáo và có camera ghi hình theo dõi. Giám khảo được giao các túi bài thi còn niêm phong, trước khi mở túi niêm phong phải ký xác nhận đầy đủ vào biên bản”, giáo viên này cho biết.
Năm nay, TPHCM huy động 650 cán bộ chấm thi môn tự luận (tổng số hơn 68.000 bài thi của thí sinh), bình quân mỗi giáo viên chấm hơn 100 bài thi.
Một giáo viên khác cho biết, TPHCM không gặp nhiều áp lực về mặt tiến độ, nhưng làm sao để kết quả chấm đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh là điều được hội đồng chấm quan tâm. Bởi đề ra theo hướng mở, đáp án cũng mở; trong đó có cho điểm đối với những ý tưởng mới, sáng tạo nên việc chấm điểm phụ thuộc khá nhiều vào đánh giá chủ quan của giáo viên.
Theo quy định, nếu cùng một bài thi, điểm chấm giữa 2 giám khảo chênh nhau nhiều hơn 1 điểm thì phải tiến hành thảo luận để tìm ra phương án phù hợp.
Theo phản ánh của nhiều cán bộ tham gia hội đồng chấm, bài thi tự luận không thể phân chia thời gian chấm đồng đều giữa bài làm của các thí sinh như với các môn thi khác, mà sẽ có những bài chấm rất nhanh, có bài đòi hỏi người chấm dừng lại lâu để đọc kỹ, hiểu được cách diễn đạt và ngôn từ học sinh sử dụng.
“Áp lực thời gian buộc các thầy cô phải cân bằng giữa cảm xúc và tính khuôn khổ”, một nữ giáo viên bày tỏ. |
Với số lượng bài thi tự luận nhiều nhất nước, áp lực thời gian khiến các giáo viên chấm thi ở Hà Nội gặp khó khăn hơn. Theo ước tính, mỗi giáo viên phải chấm 60 bài thi/ngày.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý các hội đồng chấm không đặt mục tiêu chấm nhanh để hoàn thành khối lượng bài thi được “giao khoán” mà phải chấm chắc, đúng quy chế, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trên tinh thần “nhanh, nhưng không vội”.
Ghi nhận sau hơn 2 ngày chấm thi, nhiều địa phương đã hoàn thành hơn 30% số lượng bài thi. Một cán bộ chấm môn Ngữ văn tại tỉnh Bắc Giang cho biết, những ngày qua, các giáo viên đã “làm việc hết công suất”, bảo đảm tiến độ chấm 30 - 35 bài thi/ngày.
Tại tỉnh Long An, ông Nguyễn Thanh Tiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay với 13.188 bài thi tự luận, địa phương đã huy động gần 120 cán bộ chấm thi, dự kiến ngày 8-7 mới hoàn thành chấm thi môn tự luận.
Siết chặt chấm thi trắc nghiệm
Sau hàng loạt tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, năm nay Bộ GD-ĐT đã có nhiều cải tiến, bổ sung quy chế thi để phòng tránh tiêu cực, đặc biệt khâu chấm thi trắc nghiệm được siết chặt với rất nhiều hàng rào kỹ thuật.
Đầu tiên là thay đổi trong việc giao nhiệm vụ chấm thi cho các trường đại học. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, tất cả hội đồng chấm thi trắc nghiệm nhận chỉ đạo trực tiếp từ Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia chứ không phải Ban chỉ đạo thi THPT địa phương.
Ngoài ra, khâu kỹ thuật trong chấm thi các môn trắc nghiệm cũng được Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm, trong đó có việc đầu tư nâng cấp và hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát nhằm ngăn ngừa can thiệp trái phép.
Quy trình chấm thi gồm các bước đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Sau khi quét phiếu trả lời trắc nghiệm, nội dung bài thi sẽ được mã hóa, phải có mật khẩu mới vào xem được.
Toàn bộ dữ liệu được bảo mật tối đa, sao lưu thành 3 bộ đĩa CD/DVD; được đóng gói, niêm phong dưới sự giám sát của tổ giám sát, lực lượng an ninh và lập biên bản đầy đủ.
Trong đó, một bộ đĩa kết quả sẽ gửi về Bộ GD-ĐT để quản lý và giám sát, một bộ bàn giao cho chủ tịch hội đồng thi và một bộ do trưởng ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ. Tuy nhiên, tất cả tổ chức, cá nhân khi sử dụng bộ đĩa này đều phải báo cáo, xin ý kiến Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia.
Nhận định về đề thi và đáp án các môn thi trắc nghiệm, phó hiệu trưởng một trường THPT tại TPHCM nhận xét, năm nay nhìn chung đề thi các môn đều có tính phân hóa nhưng chưa phát huy được tính sáng tạo của thí sinh.
Cụ thể, đối với môn Toán không có câu hỏi nào liên quan đến lĩnh vực toán ứng dụng, các câu hỏi phân hóa có mức độ khó không tăng dần mà tương đối đồng đều. Tương tự, 16 câu hỏi phân hóa trong đề thi môn Hóa được nhiều giáo viên đánh giá là khô khan, ít liên hệ thực tiễn đời sống.
Nhìn chung, đáp án chấm thi các môn trắc nghiệm năm nay được nhận định không có sai sót; tuy nhiên đều ở phạm vi khá an toàn, thí sinh “chọn đại” đáp án vẫn có điểm, không có câu hỏi tạo được bất ngờ hoặc phát huy năng lực của thí sinh.