Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Tăng tốc và phát triển bền vững

Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Tăng tốc và phát triển bền vững

Tính đến cuối năm 2010, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) quản lý 298.800 ha cao su với tổng vốn lên đến 22.000 tỷ đồng, tổng số cán bộ, công nhân viên hơn 100.000 người làm việc tại 112 đơn vị thành viên. Sự lớn mạnh, phát triển về quy mô diện tích và vốn đầu tư của VRG trong những năm qua là nhờ sự lãnh đạo kiên định, sáng suốt của Đảng bộ VRG mà đứng đầu là ban lãnh đạo tập đoàn luôn vững tay lái đưa ngành cao su Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tích rất đáng phấn khởi.

Những con số ấn tượng

Theo báo cáo chính trị của Đảng ủy VRG, tổng tài sản toàn tập đoàn từ 14.350 tỷ đồng năm 2006 đã tăng lên 40.000 tỷ đồng vào năm 2010, tăng gấp 2,8 lần. Tổng vốn đầu tư 27.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có huy động là 15.000 tỷ đồng. Nghĩa là, bình quân mỗi năm, VRG đầu tư trên 5.400 tỷ đồng để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Các chỉ tiêu tài chính trong giai đoạn 2005 – 2010 đều tăng so với 5 năm trước.

Cụ thể, tổng doanh thu từ 27.747 tỷ đồng tăng lên 75.640 tỷ đồng, tăng gấp 2,72 lần. Tổng lợi nhuận trước thuế 7.655 tỷ đồng tăng lên 23.100 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần. Nộp ngân sách nhà nước từ 2.931 tỷ đồng tăng lên 7.104 tỷ đồng. Đặc biệt, lương CBCNV bình quân từ 2.093.529 đồng/người/tháng tăng lên 5,5 triệu đồng/người/tháng khi kết thúc năm 2010.

Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN Lê Quang Thung, trao thưởng cho các CB-CNV xuất sắc. Ảnh: T.TUYẾT

Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN Lê Quang Thung, trao thưởng cho các CB-CNV xuất sắc. Ảnh: T.TUYẾT

Năm năm qua, toàn tập đoàn trồng mới được 52.333ha cao su trong đó có 41.834ha cao su được trồng tại Lào, Campuchia và vùng Tây Bắc. Việc trồng cao su ở ngoài vùng truyền thống trong 5 năm qua, trước hết mang lại hiệu quả kinh tế cho tập đoàn đồng thời phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh – chính trị cho vùng sâu, vùng xa.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ sang công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ, tập đoàn đã đa dạng hóa sản phẩm, ngành nghề, sở hữu. Cũng trong 5 năm qua, với tinh thần uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách, tập đoàn và các đơn vị thành viên đã làm tốt công tác xã hội, từ thiện như phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt, hỗ trợ các quỹ khuyến học, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ 2 huyện nghèo của tỉnh Kon Tum với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng, riêng năm 2009 là hơn 40 tỷ đồng,…

Có được thành quả như trên, vai trò của Đảng ủy, lãnh đạo VRG trong thực hiện chủ trương, sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chiếm một vị trí hết sức quan trọng, then chốt. Hoạt động của các tổ chức Đảng từ đảng viên đến các chi bộ, Đảng bộ luôn được thông suốt, nhất quán, gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Công tác tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các nghị quyết Trung ương 3, 4, 5, 6, 7 và 9 (khóa X); triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó có các kết luận về kinh tế – xã hội, các nghị quyết, văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và của Thành ủy TPHCM.  

Định hướng phát triển của VRG trong 5 năm tới (2010 – 2015), tầm nhìn đến năm 2020 là phấn đấu hoàn thành thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế là công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm với tổng doanh thu trên 30.000 tỷ đồng vào năm 2015. Trong đó xuất khẩu từ 800 triệu đến 1 tỷ USD. Tổng tài sản và vốn nhà nước đạt 100.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước trên 40.000 tỷ đồng. Đến năm 2015 sẽ tạo thêm 50.000 đến 70.000 chỗ làm mới trong và ngoài nước, nâng tổng số lao động lên từ 160.000 – 180.000 người…

Nhiều đóng góp cho công tác quốc phòng

Không chỉ đạt được kết quả ấn tượng trong công tác sản xuất kinh doanh, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược mà  Đảng và nhà nước yêu cầu là phát triển kinh tế kết hợp với củng cố an ninh – quốc phòng, trong những năm qua, tập đoàn đã “đứng chân” trên nhiều vùng trọng yếu nhạy cảm về công tác an ninh chính trị như Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc, Lào và Campuchia... Những địa phương này có đường biên giới tiếp giáp với các nước láng giềng dài trên 800km (từ Tân Biên, Tây Ninh đến Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã được tập đoàn kết hợp thực hiện rất tốt 2 nhiệm vụ trên.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN Trần Ngọc Thuận tại Hội thi cạo mủ cao su toàn ngành năm 2010.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN Trần Ngọc Thuận tại Hội thi cạo mủ cao su toàn ngành năm 2010.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua vì an ninh quốc phòng, vì trật tự xã hội cũng được các đơn vị thành viên trong tập đoàn thực hiện tốt bằng nhiều hình thức khá sinh động như tổ chức giao lưu kết nghĩa đối với các đồn biên phòng, các huyện đội, tỉnh đội và các quân khu. Tiêu biểu có các đơn vị: Công ty Cao su Bình Long, Lộc Ninh, Tân Biên, Dầu Tiếng, Chư Prông, Kon Tum, Quảng Trị… với mô hình thành lập các đội tự quản, thanh niên xung kích...

Trong  năm 2007, tập đoàn đã tổ chức hội thao quốc phòng tại tỉnh Gia Lai với sự có mặt của 21 đoàn và trên 700 vận động viên tham dự. Năm 2009, tập đoàn tham gia hội thao quân sự Quân khu 7 đoạt giải ba toàn đoàn. Hiện tại, tập đoàn có 9.800 CBCNV trong lực lượng tự vệ, chiếm 10% tổng số nhân viên…

Nhờ sự nỗ lực phấn đấu với những thành tích vượt bậc, trong 5 năm qua, tập đoàn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Chiến công hạng nhất (năm 2006) và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba (năm 2009).

V.THANH - S.NÂU

Thông tin liên quan:

>> Sức mạnh từ phong trào thi đua yêu nước

Tin cùng chuyên mục